NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – ĐI CÙNG NHỮNG ỨNG DỤNG THỰC TIỄN TRONG HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Người ta vẫn thường nói rằng “Khoa học là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Khoa học làm giảm nhẹ lao động của con người, cải thiện chất lượng cuộc sống”. Kho tàng tri thức của loài người ngày một nhiều là do các thế hệ con người nối tiếp nhau làm nên, trong đó, chủ yếu là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Trong y học, nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển kiến thức nghề nghiệp và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

Từ khi thành lập bệnh viện đến nay, Ban giám đốc bệnh viện (ban đầu là Trung Tâm Ung Bướu, sau đó là Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM) đã quan tâm rất nhiều đến công tác nghiên cứu khoa học. Bằng những hình thức tổ chức hội thảo, báo cáo chuyên đề những kết quả nghiên cứu cấp cơ sở, cấp Bộ, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được trao đổi và chia sẻ ở nhiều tỉnh /thành phố trên cả nước. Việc này góp phần quan trọng đưa vào ứng dụng nhanh và tốt nhất những kết quả nghiên cứu khoa học tiến bộ nhất trên thế giới cũng như trong nước trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống Ung thư của cả nước.

Với sự phối hợp của Hội Ung Thư Việt Nam, Hội Ung Thư TP.HCM, đến nay, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã tổ chức 21 cuộc Hội thảo Phòng, Chống Ung thư thường niên vào ngày thứ 5 và thứ 6 đầu tháng 12 mỗi năm. Hội thảo luôn có sự tham gia của hơn 2000 - 3000 chuyên gia và khách mời từ các bệnh viện có chuyên khoa ung thư, các Trường Đại Học và các Viện nghiên cứu danh tiếng trong cả nước. Các chuyên gia nổi tiếng của nước ngoài cũng được mời để có những báo cáo và thảo luận với các chuyên gia trong nước để trao đổi về nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học mới nhất trên thế giới, xu hướng phát triển cũng như tiềm năng ứng dụng các tiến bộ này vào công tác phòng, chống ung thư ở nước ta. Nội dung những kỳ Hội thảo rất phong phú gồm nhiều chuyên đề sâu như: Dịch tể học và các Chương trình phòng, chống Ung thư, các ung bướu theo cơ quan vùng đầu cổ, vùng lồng ngực, tiêu hóa, nhũ – phụ khoa, huyết học, chăm sóc giảm nhẹ - điều dưỡng và các nội dung ung bướu tổng hợp khác như tiết niệu, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh… Các bài gửi đến tham dự hội thảo đều được tổ chức phản biện, kiểm tra chống trùng lắp. Ngoài ra, hàng năm, Bệnh viện còn tổ chức các hội thảo vệ tinh, bàn tròn giải phẫu bệnh và những năm gần đây có kỳ hội thảo về Kỹ thuật phóng xạ để tăng thêm phần đa dạng, hấp dẫn của hội thảo. Từ năm 2017, những kỳ hội thảo có thêm cuộc thi về Poster để các báo cáo có thể trình bày theo dạng Poster sinh động hơn. Tất cả các bài báo cáo được in ấn thành tạp chí như một chứng cứ khoa học giúp các báo cáo viên có thể sử dụng, bổ sung trong hồ sơ thi cao học, nghiên cứu sinh… và phát cho người tham gia hội thảo. Tạp chí được in ban đầu là tạp chí Y học TP.HCM do Đại Học Y Dược TP.HCM biên tập, sau này là tạp chí Ung Thư Học Việt Nam do Bệnh viện Ung Bướu và Hội Ung Thư Việt Nam chủ biên. Từ 2017 ngoài số tạp chí in tiếng Việt, những bài báo cáo còn in ấn trên một số tạp chí tiếng Anh thường là số tạp chí cuối cùng của năm. Đây là bước đầu của bệnh viện trong sự nỗ lực cố gắng hội nhập vào dòng thác Nghiên cứu khoa học của thế giới.

Bên cạnh hoạt động hội thảo, hàng năm, bệnh viện cũng luôn quan tâm đầu tư chất lượng những công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Từ năm 1999 đến nay, Bệnh viện Ung Bướu tổ chức đăng ký và nghiệm thu trung bình 10 – 20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở mỗi năm. Điều này đã đưa bệnh viện là một trong số ít đơn vị y tế có nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở nhất của Sở Y tế TP.HCM. Các đề tài này đều thông qua xét duyệt của các Hội đồng Khoa học kỹ thuật của bệnh viện để đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả và dễ dàng ứng dụng vào thực tiễn. Từ những công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở này, nhiều đề tài về các kỹ thuật mới được triển khai vào việc khám bệnh và điều trị bệnh ngày càng hiệu quả hơn. Chẳng hạn như, nghiên cứu “Phát triển phương pháp chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) cho các bướu nông tại Trung Tâm Ung Bướu” được nghiệm thu từ 2001 và đưa vào ứng dụng thực tiễn giúp Bệnh viện Ung Bướu đã trở là nơi phát triển kỹ thuật sinh thiết bằng kim nhỏ này nhanh và hiệu quả nhất cả nước.

Nhưng khi các nghiên cứu sâu hơn, qui mô lớn hơn và cần đầu tư nhiều hơn, Bệnh viện Ung Bướu đã đăng ký nhiều nghiên cứu khoa học cấp Thành phố tại Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và đã đạt giải thưởng cao như đề tài nghiên cứu “Sinh thiết hạch lính gác trong ung thư lưỡi”… Bệnh viện Ung Bướu còn tham gia nhiều nghiên cứu khoa học cấp Bộ Y tế như các nghiên cứu ENSURVA, KESTREL, MYSTIC, ADAURA… Các đề tài này đang thực hiện và khi kết thúc sẽ cho những kết quả giúp ích rất nhiều cho hoạt động điều trị lâm sàng ở  nước ta và trên thế giới.

Trải qua hơn 30 năm, hoạt động Nghiên cứu khoa học của Bệnh viện diễn ra khá phong phú, sôi nổi và liên tục phát triển. Nhất là mấy năm gần đây, các lĩnh vực trong chẩn đoán và điều trị ung thư còn đang phát triển. Đây là những cơ hội có nhiều tiềm năng để bệnh viện hòa nhập quốc tế cùng nghiên cứu, cùng hội nhập và phát triển cùng các công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới. Điều này đòi hỏi Bệnh viện Ung Bướu đang nhanh chóng xây dựng lực lượng các bác sĩ trẻ có đủ trình độ, cũng như có qui trình và phương pháp nghiên cứu khoa học chuẩn của thế giới. Những người này sẽ thắp sáng lên niềm tin cho bệnh nhân ung thư ở nước ta.

HOTLINE 0916 248 159