“U LYMOPHO KHÔNG HOGKIN THÔNG TIN CẦN BIẾT CHO BỆNH NHÂN VÀ NGƯỜI THÂN ”.

CLB TRÒ CHUYỆN CÙNG BÁC SĨ CHUYÊN KHOA THÁNG 12:

U LYMOPHO KHÔNG HOGKIN THÔNG TIN CẦN BIẾT

CHO BỆNH NHÂN VÀ NGƯỜI THÂN ”.

Hiện nay “U Lymopho Không Hogkin” là một trong số bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, đây là một căn bệnh ác tính có khả năng điều trị hiệu quả, kéo dài thời gian sống cao nếu người bệnh tuân thủ điều trị. Mong muốn được đồng hành cùng người bệnh, sáng 28/12/2022 tại bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình với chủ đề “U Lymopho Không Hogkin thông tin cần biết cho bệnh nhân và người thânđược diễn ra vào .

Quang cảnh buổi sinh hoạt

Sinh hoạt chuyên đề

Bài báo cáo Những hiểu biết về lymphôm không Hodgkin” do TS.BSCKII. Lưu Hùng Vũ - Trưởng khoa Huyết học – Hạch trình bày, đã cung cấp những kiến thức hiểu biết về bệnh lymphôm không Hodgkin.

TS.BSCKII. Lưu Hùng Vũ trình bày Báo cáo

Lymphôm ác là bệnh lý ung thư huyết học thường gặp ở người lớn. Trước kia hay gọi là ung thư hạch. Bệnh có thể biểu hiện ở các cơ quan ngoài hạch (gan, phổi…). Lymphôm ác có hai loại: lymphôm Hodgkin và lymphôm không Hodgkin. Lymphôm không Hodgkin hay gặp ở tuổi 60-70 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở mọi lứa tuổi và số lượng nam mắc bệnh nhiều hơn nữ.

  • Một số thể đặc biệt của lymphôm không Hodgkin:

+ Lymphôm nang hay gặp ở người già

+ Lymphôm nguyên bào lymphô hay gặp ở nam, thanh thiếu niên.

+ Lymphôm Burkitt hay gặp ở bé gái, châu Phi

- Nguyên nhân gây ra lymphôm không Hodgkin bao gồm

+ Các yếu tố không rõ nguyên nhân: khói thuốc lá, môi trường sống, thực phẩm, thói quen sinh hoạt;

+ Các yếu tố gây nguy cơ như: suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy giảm miễn dịch mắc phải (dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng, ghép tủy, nhiễm HIV), tác nhân nhiễm trùng (khác HIV).

TS.Vũ nhấn mạnh: hạch lymphô to, không đau ở cổ, nách, bẹn, hạch ổ bụng, trung thất; lách to; amiđan to, khó nuốt; tổn thương cơ quan ngoài hạch, triệu chứng toàn thân đi kèm: sốt, sụt cân, đổ mồ hôi đêm, khó thở, đau bụng, phù chi, thiếu máu, xuất huyết da niêm… là các biểu hiện thường gặp của lymphôm không Hodgkin. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các phương pháp chẩn đoán xác định lymphôm không Hodgkin bằng: sinh thiết hạch hoặc tổn thương ngoài hạch, lấy mẫu mô đọc hình thái dưới kính hiển vi (kết quả gọi là giải phẫu bệnh). Đôi lúc khó chẩn đoán ra bệnh, thì thực hiện việc nhuộm mẫu mô với các thuốc thử đặc biệt (gọi là hóa mô miễn dịch).

Vấn đề được nhiều bệnh nhân và nhà người bệnh nhân quan tâm là việc điều trị lymphôm không Hodgkin như thế nào? Giải đáp thắc mắc này, TS.Vũ cho biết việc điều trị lymphôm không Hodgkin tùy thuộc vào loại giải phẫu bệnh và giai đoạn bệnh. Bệnh Lymphôm không Hodgkin được chia thành bốn giai đoạn:

+ Giai đoạn I và II gọi là giai đoạn sớm;

+ Giai đoạn III và IV gọi là giai đoạn tiến xa (Giai đoạn trễ), có thể vẫn chữa được.

Để đánh giá chính xác giai đoạn, cần làm một số xét nghiệm như: Huyết đồ/phết máu ngoại vi, Tủy đồ/sinh thiết tủy, CT scan đầu cổ-ngực-bụng (có cản quang), PET/CT (nếu bệnh nhân có khả năng), MRI não-cột sống (nếu có dấu hiệu do tổn thương não/tủy sống), Các xét nghiệm cần thiết trước khi điều trị (Chức năng gan, thận, tim, LDH máu). Các phương pháp điều trị bệnh bao gồm:

+ Phẫu thuật (mổ) thường là sinh thiết để chẩn đoán bệnh. Đối với vấn đề mà bệnh nhân thường thắc mắc là “Phẫu thuật có thể lấy hết hạch”, TS.Vũ tư vấn: “Phẫu thuật không thể lấy hết hạch, vì đây là bệnh toàn thân của hệ lymphô” vì phẫu thuật thường dùng để sinh thiết chẩn đoán, giúp có kết quả giải phẫu bệnh.

+ Về phương pháp Hóa trị , đây là phương pháp dùng hóa chất đưa vào cơ thể bệnh nhân bằng đường tĩnh mạch (đôi khi tiêm dưới da hoặc bơm kênh tủy…). Các tác dụng phụ do hóa trị thường gặp:

  • Thoát mạch: có thể gây hoại tử, nặng phải tháo khớp, cắt cụt chi. Phòng ngừa thoát mạch bằng cách đặt đường truyền tĩnh mạch trung ương qua buồng tiêm dưới da;
  • Nôn, buồn nôn: phòng ngừa với thuốc chống nôn;
  • Rụng tóc: tóc sẽ mọc lại sau khi chấm dứt hóa trị;
  • Giảm bạch cầu: có thể dẫn đến nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân có sốt, lỡ miệng, tiêu chảy, ho, khó thở cần nhập viện ngay.

+ Xạ trị thường phối hợp sau hóa trị: Giải thích về phương pháp Xạ trị , BS. Vũ cho biết đây là phương pháp sử dụng máy chiếu tia xạ vào vùng có tổn thương hạch/ngoài hạch của lymphôm không Hodgkin: Liều xạ trị: 36-40 Gy.

+ Một số phương pháp khác: điều trị bằng kháng thể đơn dòng, ghép tủy/tế bào gốc ngoại vi:

  • Liệu pháp kháng thể đơn dòng: Là sử dụng một loại kháng thể đơn dòng đặc hiệu với một loại kháng nguyên trên bề mặt của tế bào bướu;
  • Rituximab là kháng thể đơn dòng kháng CD20, dùng cho lymphôm không Hodgkin tế bào B, CD20(+);
  • Ghép tủy/ tế bào gốc tạo máu ngoại vi: Thường sử dụng ở bệnh nhân lymphôm không Hodgkin tái phát hay kháng với điều trị. Có hai phương pháp: Ghép tự thân: lấy của chính bệnh nhân truyền lại cho bệnh nhân. Ghép dị thân (còn gọi là ghép đồng loài): lấy của người khác (anh em sinh đôi, người trong cùng gia đình…) truyền cho bệnh nhân. Hiện nay bệnh viện Ung Bướu đã có phòng ghép và dự kiến bắt đầu tháng 5/2023 sẽ tiến hành thực hiện

Trả lời thắc mắc của bệnh nhân: “Làm thế nào để phát hiện sớm lymphôm không Hodgkin?”, BS Vũ  cho biết: “Nếu bệnh nhân thấy nổi hạch lymphô to, cần đến khám ngay ở bệnh viện hoặc trung tâm chuyên khoa ung bướu để được khám, tư vấn và làm xét nghiệm chẩn đoán . Có nhiều nguyên nhân gây hạch to cho nên bệnh nhân không nên quá lo lắng khi phát hiện có hạch lymphô to. Trên thực tế lâm sàng, 2/3 trường hợp bệnh nhân đến khám là hạch viêm (nếu hạch viêm cấp thì không cần sinh thiết).

Qua đó BS Vũ đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân về cách phòng ngừa lymphôm không Hodgkin là nên có lối sống lành mạnh, giảm stress; vận động và tập thể dục mỗi ngày; ngủ sớm, ngủ đủ giấc; tránh cơ thể bị nhiễm lạnh, ăn đủ chất (hạn chế mỡ, đường); tránh ăn quá nóng hay quá lạnh; tránh ăn thức ăn có hại (khét, nhiễm nấm mốc), hạn chế rượu bia, thuốc lá.

Giao lưu, trò chuyện cùng Bác sĩ chuyên khoa

Chương trình CLB trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa tháng 12 lần này với sự tham gia của các bác sĩ chuyên gia:

  1. TS.BSCKII Lưu Hùng Vũ - Trưởng khoa Huyết học – Hạch ;
  2. BSCKII. Hồ Văn Trung - Trưởng khoa Xạ trị tổng quát;    
  3. ThS.BS. Thái Anh Tú  - Trưởng khoa Giải Phẫu Bệnh.

Giao lưu cùng bác sĩ chuyên khoa

Mối quan tâm của nhiều bệnh nhân liên quan đến vấn đề bệnh Lymphôm Không Hodgkin có lây nhiễm hay không, trả lời thắc mắc này TS.BSCKII Lưu Hùng Vũ cho biết Bệnh Lymphôm Không Hodgkin không lây qua da, đường hô hấp, các tiếp xúc chung khác”

Cô T (quê tại Tiền Giang) có câu hỏi: “Tôi bị ung thư vú mổ được 3 năm, chỗ hạch mổ của tôi bị dị ứng và khi sốt thì ngực và nách tôi bị ửng đỏ, xin được được tư vấn của bác sĩ?”

Chị T đặt câu hỏi tư vấn về bệnh của mình

Trao đổi với bệnh nhân, BSCKII. Hồ Văn Trung giải đáp: vùng xạ trị dưới da rất nhạy cảm, gây viêm da, biến chứng trên da, bệnh nhân không nên lo lắng, nếu hết sốt thì vùng da đó cũng sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu không sốt mà vùng da ngay ngực, nách vẫn đau vẫn đỏ thì bệnh nhân cần đến ngay bác sĩ để đánh giá xem bệnh có tái bệnh hay không?

BSCKII. Hồ Văn Trung giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân

Chú T (quê tại Bến Tre) chia sẻ vấn đề của mình: “Tôi bị ung thư đạ tràng đã hóa trị xong, hiện nay tay chân tôi hay bị tê, mong được các bác sĩ tư vấn”

 

           

Chú T đặt câu hỏi tư vấn về bệnh của mình

 Giải đáp thắc mắc này ThS.BS. Thái Anh Tú  tận tình chia sẻ: một số thuốc hóa trị thuộc nhóm Platinum, tùy vào sự thích ứng của nỗi người bệnh sẽ gây ra triệu chứng tê tay tê chân, triệu chứng này có thể kéo dài 1 đến 2 năm và dần hồi phục. Nếu hiện tượng tê làm ảnh hưởng chất lượng sống của bệnh nhân thì cần đến bác sĩ chuyên khoa để được kê thuốc giảm tê. Triệu chứng này không có liên quan đến vấn đề tái phát hay di căn của bệnh ung thư.

 

ThS.BS. Thái Anh Tú giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân

Chị L (quê tại Long An) nghẹn ngào chia sẻ về ba của chị bị U Lymphôm Không Hodgkin tế bào T, giai đoạn sớm. Chị hỏi: Sau khi điều trị thì khả năng hết có cao không? Và U Lymphôm Không Hodgkin có di truyền hay không?. Trả lời thắc mắc này TS.BSCKII Lưu Hùng Vũ cho biết: khi điều trị U Lymphôm Không Hodgkin tế bào T trong giai đoạn sớm thì điều trị có phối hợp phác đồ hóa và xạ đồng thời cho thấy tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân từ 3 năm trở lên là trên 80%. Giải đáp cho bệnh nhân là U Lymphôm Không Hodgkin không có yếu tố di truyền. BS Vũ lưu ý thuốc hóa chất khi vào cơ thể bệnh nhân sẽ thải ra đường tiêu hóa (nước tiểu, phân), da, hơi thở trong vòng 2 đến 5 ngày thì thuốc sẽ thải hết. Tuy nhiên, gia đình nên lưu ý trong gia đình có trẻ nhỏ tránh tiếp xúc trên một tuần sẽ đảm bảo an toàn hơn.

 

Chị L đặt câu hỏi giao lưu với bác sĩ chuyên khoa

Buổi sinh hoạt kết thúc trong không khí vui vẻ, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bệnh nhân. Các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ vừa mang tính chuyên môn cao, vừa mang tính ấm áp, thân thiện gần gũi bởi sự chia sẻ chân thành giữa các bác sĩ chuyên khoa và bệnh nhân./.

 

HOTLINE 0916 248 159