SHCĐ: CẬP NHẬT NHỮNG TIẾN BỘ TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI TẠI ASCO 2020

Ung thư phổi hiện nay được chia thành 2 nhóm lớn là ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) (80%) và ung thư phổi tế bào nhỏ (UTPTBN) (20%). Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc tầm soát, thế nhưng đa số các chương trình tầm soát ung thư phổi hiện nay đều chưa đạt được kết quả như mong muốn. Do đó hiện nay theo thống kê, 85% UTPKTBN khi được chẩn đoán đã ở giai đoạn IV và 66% số bệnh nhân UTPTBN ở giai đoạn lan tràn khi được chẩn đoán bệnh. Chính vì thế, ASCO 2020 cũng tập trung vào các vấn đề nổi cộm hiện nay là điều trị UTPKTBN giai đoạn IV và điều trị bước 1 tối ưu cho UTPKTBN.

Nằm trong kế hoạch tổ chức thường xuyên các hoạt động sinh hoạt khoa học kỹ thuật nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn cho các bác sĩ điều trị ung thư, chiều ngày 03/07/2020, bệnh viện Ung Bướu đã tổ chức buổi hội thảo khoa học chuyên đề “Cập nhật những tiến bộ trong điều trị ung thư phổi tại ASCO 2020”. Chương trình được phát trực tuyến đến các đầu cầu khắp cả nước và ghi hình để phục vụ cho công tác giảng dạy về sau.

Chủ tọa của chương trình là TS.BS. Đặng Huy Quốc Thịnh – Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, cùng 02 báo cáo viên là BSCKII. Nguyễn Tuấn Khôi, Trưởng Khoa Nội 1 bệnh viện Ung Bướu TP. HCM và TS.BS. Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng, đến từ Trung tâm Ung Bướu bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau lời phát biểu khai mạc hội thảo của TS.BS. Đặng Huy Quốc Thịnh, BSCKII. Nguyễn Tuấn Khôi đã có một bài báo cáo tổng hợp lại những tiến bộ mới nhất trong điều trị UTPKTBN. Có thể đúc kết lại như sau:

  • Trước tiên, với nhóm UTPKTBN có thể phẫu thuật được (I – IIIA), ASCO 2020 đã cập nhật kết quả của 2 nghiên cứu đánh giá hiệu quả của điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật bằng TKIs. Cụ thể, nghiên cứu CTONG 1109 sử dụng Gefitinib trong các trường hợp UTPKTBN từ II – IIIA đã cho thấy thời gian sống còn không bệnh (DFS) không có sự cải thiện, tuy nhiên gefitinig làm tăng trung vị sống còn không bệnh (mean DFS) có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng và kết quả này chỉ đạt được khi sử dụng gefitinib hỗ trợ kéo dài hơn 18 tháng. Nghiên cứu ADAURA thử nghiệm sử dụng Osimertinib hỗ trợ cho những bệnh nhân giai đoạn IB – IIIA, kết quả được báo cáo tại ASCO 2020 cho thấy Osimertinib đem lại lợi ích về DFS 2 năm (2 year DFS) cho tất cả các nhóm bệnh nhân bất kể giới tính, độ tuổi, tình trạng hút thuốc, chủng tộc, giai đoạn bệnh và dạng đột biến EGFR. Kết quả này đem lại sự phấn khích cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới khi một lần nữa cho thấy nhận định về nghiên cứu ADAURA sử dụng Osimertinib (TKIs), tuy nhiên chúng ta sẽ cần phải chờ thêm một thời gian để được báo cáo toàn bộ kết quả của ADAURA.
  • Với nhóm UTPKTBN giai đoạn IV có EGFR (+), việc kết hợp Gefitinib và Osimertinib trong điều trị bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn IV đã có những bước đầu khả quan. Ngoài ra, nghiên cứu NEJ026 kết hợp Erlotinib với Bevacizumab, một thuốc kháng sinh mạch cho thấy cải thiện PFS (HR 0.65) so với đơn trị bằng Erlotinib, tuy nhiên không cải thiện OS và PFS2.
  • Một trong những điểm nổi bật tại ASCO 2020 chính là kết quả của nghiên cứu ALEX so sánh hiệu quả giữa alectinib và crizotinib ở nhóm bệnh nhân có đột biến ALK (+). Theo đó, alectinib cho thấy kết quả có lợi hơn về PFS và độ an toàn so với crizotinib dù cả 2 thuốc đều cho thấy hiệu quả rất tốt ở nhóm bệnh nhân UTPKTBN có ALK (+).
  • Sự xuất hiện của những đích mới CEACAM 5, Her2, RET fusion, khuếch đại MET hiện đang được nghiên cứu bước đầu và là niềm hy vọng cho những thay đổi thực hành lâm sàng trong tương lai.
  • Cuối cùng, với nhóm DRIVER (-), BSCKII. Nguyễn Tuấn Khôi đã trình bày kết quả nghiên cứu CHECKMATE 9LA so sánh hiệu quả kết hợp hóa trị + Nivolumab + Ipilimumab và nghiên cứu CITISCAPE sử dụng Tiragolumab.

Tiếp theo bài trình bày của BSCKII. Nguyễn Tuấn Khôi, TS.BS. Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng đem đến phần trình bày với nội dung về tiêu chuẩn mới trong điều trị UTPTBN giai đoạn tiến xa trong kỷ nguyên ứng dụng liệu pháp miễn dịch ung thư. Cứ mỗi 3 người được chẩn đoán UTPTBN thì có 2 người đã ở giai đoạn lan tràn, và tiên lượng sống của nhóm bệnh này cũng khá xấu. Suốt 20 năm qua, điều trị tiêu chuẩn của UTPTBN giai đoạn lan tràn vẫn là hóa trị với phác đồ Etoposide + Carboplatin/Cisplatin. Rất nhiều nghiên cứu kết hợp hóa trị với các thuốc khác đều không thành công khi không đạt được kết cục chính. Tuy nhiên hiện nay với sự xuất hiện của các thuốc miễn dịch, các nghiên cứu kết hợp hóa trị với Pembrolizumab (KEYNOTE 604) hay Durvalumab ± Tremelimumab trong điều trị UTPTBN giai đoạn lan tràn đã cho thấy những tín hiệu tích cực hơn dù tiên lượng bệnh vẫn chưa thay đổi quá nhiều.

Hi vọng rằng những nội dung chính rút ra từ chương trình sinh hoạt nêu trên sẽ giúp các bác sĩ tham dự có một cái nhìn toàn diện hơn trong bức tranh điều trị ung thư phổi, giúp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng, góp phần chăm sóc điều trị bệnh nhân trong mục tiêu đưa điều trị ung thư phổi thành điều trị một bệnh lý mãn tính.

Võ Đức Hiếu - Lê Hoàng Đình Nguyên (BV Ung Bướu TP. HCM)

HOTLINE 0916 248 159