SHCĐ : VAI TRÒ CỦA CETUXIMAB TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG DI CĂN

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư thường gặp trên thế giới và Việt Nam. Ở Việt Nam ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 4 ở nam và thứ 3 ở nữ. Ung thư đại trực tràng là ung thư gây tử vong thứ nhì sau ung thư phổi. Người ta đã chứng minh nguyên nhân gây ung thư là do các yếu tố về lối sống và độ tuổi, với chỉ một số ít trường hợp là do rối loạn gen di truyền. Các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn, bệnh béo phì, hút thuốc, và ít hoạt động thể chất. Những yếu tố về chế độ ăn làm tăng nguy cơ bao gồm thịt đỏ và rượu. Một yếu tố nguy cơ khác là bệnh viêm đường ruột, trong đó bao gồm bệnh Crohn và viêm loét
đại tràng. Một số điều kiện di truyền có thể gây ra ung thư ruột bao gồm: đa polyp tuyến
gia đình (familial adenomatous polyposis - FAP) và ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp (hereditary nonpolyposis colorectal cancer - HNPCC). Ung thư đại tràng thường
di căn tới các cơ quan, bộ phận như gan, phổi, xương, não. Khi đó việc áp dụng các phương pháp điều trị chỉ có tác dụng hạn chế, không còn khả năng điều trị triệt căn. Hiện nay các phương pháp điều trị bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, và điều trị bằng các kháng thể đơn dòng như Bevacizumab, Cetuximab, hoặc liệu pháp miễn dịch như Pembrolizumab.

Nằm trong kế hoạch tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao kiến thức cho các bác sĩ, Bệnh viện Ung Bướu đã tổ chức thành công buổi sinh hoạt chuyên đề trực tuyến “Vai trò của Cetuximab trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn” vào ngày 03/07/2020.

Chủ tọa của chương trình là TS.BS. Diệp Bảo Tuấn- Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP. HCM.

 

Hai báo cáo viên nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực ung thư đại trực tràng, đó là PGS.TS. Phạm Hùng Cường -Trưởng Khoa Ngoại 2 - Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM chia sẻ đề tài “Vai trò của Cetuximab trong ung thư đại trực tràng di căn dưới góc nhìn của nhà ngoại khoa”. và BSCKII. Hoàng Thị Mai Hiền – Phó Trưởng Khoa Nội 4 - Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM chia sẻ đề tài “Vai trò của Cetuximab trong ung thư đại trực tràng di căn dưới góc nhìn của nhà nội khoa”; cùng với sự tham dự và tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của các bác sĩ tại bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, đặc biệt là bác sĩ nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực ung thư đại trực tràng.

Chương trình sinh hoạt đã đúc kết ra được những thông điệp chính như sau:

  • Gan là vị trí di căn thường gặp nhất. Trong đó 20% bệnh nhân đại trực tràng di căn gan có thể mổ cắt gan được. Các bệnh nhân sau cắt gan có sống còn toàn bộ (OS) là 3,6 năm, sống còn không bệnh (DFS) là 15,9 tháng. OS 5 năm sau cắt gan là 58%.
  • Tiếp cận bệnh nhân có di căn: Cần phân nhóm có thể phẫu thuật, có tiềm năng phẫu thuật và không thể phẫu thuật để định hướng điều trị.
  • Chỉ định cắt gan: Diện cắt gan 1cm, khu trú ở 1 thùy gan, có ít hơn 4 ổ di căn, không có di căn ngoài gan. Phẫu thuật ngay nếu có thể.
  • Nếu chưa thể phẫu thuật, có thể hóa trị. Sau hóa trị, có thêm 10 – 15% bệnh nhân có thể phẫu thuật cắt được tổn thương di căn gan.
  • Đốt gan bằng sóng cao tần (RFA): Có biến chứng thấp hơn, tuy nhiên tái phát nhiều hơn, OS và DFS kém hơn khi so với phẫu thuật cắt gan.
  • Đối với di căn phổi: Phẫu thuật nếu có thể được sau khi cắt bướu nguyên phát.
    Các yếu tố tiên lượng: DFS < 1 năm, có > 1 di căn, CEA > 5ng/ml, di căn 2 phổi,
    di căn hạch trung thất
  • Có thể cân nhắc cắt các di căn phúc mạc, hạch cạnh động mạch chủ bụng. Không phẫu thuật đối với các di căn khác.
  • Khái niệm đáp ứng sâu (DpR): tỷ lệ % thu nhỏ bướu quan sát tại thời điểm bướu có kích thước nhỏ nhất so với bướu ban đầu. DpR có khả năng tiên đoán OS.
  • Khái niệm thu nhỏ bướu sớm (ETS): ETS tiên đoán nhạy với điều trị và tiên đoán DpR
  • Nghiên cứu CRYSTAL và OPUS: đánh giá ETS tại thời điểm 8 tuần ở nhóm ung thư đại trực tràng di căn có RAS tự nhiên. Việc kết hợp Cetuximab với hóa trị cho kết quả trung vị DpR vượt trội hơn so với hóa trị đơn thuần.
  • Nghiên cứu FIRE-3 pha III so sánh Cetuximab + FOLFIRI với Bevacizumab + FOLFIRI trong điều trị bước 1 ung thư đại trực tràng di căn nhóm RAS tự nhiên.
    Tiêu chí nghiên cứu chính: ORR. Các tiêu chí phụ: PFS, OS, tỉ lệ R0, tính an toàn. Nghiên cứu này không đạt được tiêu chí chính là ORR. Tuy nhiên, DpR và OS ở nhóm Cetuximab + FOLFIRI trội hơn có ý nghĩa thống kê.
  • Có sự tương quan mạnh giữa tỉ lệ phẫu thuật được tổn thương gan và tỉ lệ đáp ứng bướu.
  • Nghiên cứu CALGB/SWOG 80405: Đánh giá OS theo vị trí bướu, cho thấy ở ung thư đại tràng bên trái, việc sử dụng Cetuximab mang lại lợi ích về OS.
  • Đột biến BRAF trong ung thư đại trực tràng di căn chiếm 6-10%, dẫn tới sự hoạt động của BRAF kinase, phosphoryl hóa MEK và ERK kinases, duy trì hệ thống tín hiệu qua đường MAPK, và là 1 yếu tố tiên lượng xấu.

Hi vọng rằng những nội dung chính rút ra từ chương trình sinh hoạt nêu trên sẽ là hành trang tốt cho các BS tham dự, giúp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng,
góp phần chăm sóc điều trị bệnh nhân.

Võ Đức Hiếu- Lương Hoàng Tiên (BV Ung Bướu TP. HCM)

HOTLINE 0916 248 159