BỆNH UNG THƯ VÀ TIÊM PHÒNG VACCIN COVID 19

 

TS BS Phạm Xuân Dũng, Ts BS Đặng Huy Quốc Thịnh,

Ths BS CKII Phan Tấn Thuận, Bs CKII Võ Đức Hiếu

 

Bệnh COVID 19 do virus SARS-COVI 2 gây ra đã trở thành đại dịch trên toàn cầu. Bệnh ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có bệnh nhân ung thư. Hiện nay, có hai phương pháp phòng ngừa việc lây nhiễm virus SARS-CoVI- 2 có hiệu quả phối hợp với nhau là thực hiện 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) và tiêm phòng vaccin COVID. Câu hỏi đặt ra gần đây mà chúng tôi hay nhận được là liệu bệnh nhân ung thư có tiêm ngừa vaccin COVID được hay không và loại vaccin nào có thể lựa chọn?

Hiện đang có những loại vaccin COVID nào nghiên cứu và chấp thuận sử dụng?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện thống kê cho thấy có hơn 200 dự án có liên quan đến phát triển vaccin tạo miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 50 loại đang được nghiên cứu trên lâm sàng. Hiện nay, nguyên tắc tạo miễn dịch chống lại virus dựa trên cơ chế trình diện kháng nguyên của SARS-COV-2 với cơ thể chủ thông qua công nghệ RNA thông tin (mRNA), virus bất hoạt hoặc biến đổi gen thành lành tính và có thể dùng một đoạn peptide tổng hợp dài hay vòng DNA của virus. Cho tới tháng 5/2021, có bốn vaccin được cấp phép sử dụng trong Liên minh châu Âu (Comirnaty Pfizer/BioNTech, COVID-19 Vaccine Moderna, Vaxzevria AstraZeneca, COVID-19 Vaccine Janssen), trong khi ba loại khác đang được Cơ quan Thuốc châu Âu EMA đánh giá (EMA; CVnCoV, NVX-CoV2373, Sputnik V).

Nhìn chung, hầu hết những vaccin có nền tảng mRNA cho thấy hiệu năng bảo vệ >90% tránh khỏi lây nhiễm từ SARS-CoV-2, trong khi những vaccin sử dụng adenovirus không nhân đôi truyền dẫn cho thấy tỉ lệ bảo vệ từ 62%-90% phụ thuộc liều. Dù những dữ liệu tiền lâm sàng cho thấy có khả năng kháng thể do tiêm ngừa vaccin giảm hoạt lực trung hòa khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 biến thể mới, nhưng những chứng cứ trên lâm sàng cho thấy vaccin vẫn có tác dụng bảo vệ với từng cá nhân được tiêm và bảo vệ cộng đồng thông qua việc giảm lan truyền virus và giảm nguy cơ xuất hiện biến thể mới.

Tuy có nhiều loại vacccin khác nhau, nhưng không nên có tâm lý chần chừ, lựa chọn vaccin, vì nếu chậm trễ hoặc không tiêm phòng thì nguy cơ nhiễm và bệnh nặng sẽ cao.

Trên những bệnh nhân ung thư hoặc có tiền sử bệnh ung thư, hàng loạt những khảo sát đang được tiến hành (trên những vaccin mRNA, tiểu đơn vị protein hay sử dụng virus truyền dẫn hay virus bất hoạt) nhằm thu thập dữ liệu thế giới thực về mồi tương tác của bệnh ung thư với hoạt tính của vaccin, cũng như liều lượng, tần suất tiêm và tính an toàn của vaccin trên bệnh nhân ung thư.

Những bệnh nhân ung thư nào cần được ưu tiên tiêm ngừa và nên tiêm ngừa vào lúc nào của quá trình điều trị?

Bệnh nhân ung thư trong nhiều báo cáo trên toàn cầu cho thấy có nguy cơ mắc COVID-19 diễn tiến nặng cao hơn. Trong số đó, ung thư phổi và ung thư hệ tạo huyết và ung thư di căn có liên quan đến nguy cơ cao hơn. Bệnh nhân mới được chẩn đoán ung thư trong vòng một năm trở lại có nguy cơ cao nhất, và nguy cơ đó giảm dần về mức ban đầu khi bệnh ung thư vượt qua được 5 năm. Trong nhiều trường hợp ung thư đang diễn tiến sẽ có nguy cơ cao hơn bị COVID-19 nặng. Tuy nhiên đây chỉ là những quan sát trên nhóm dân số hồi cứu, chưa có đối chứng thực sự để xác định nguy cơ.

Độ nặng và tỉ lệ tử vong theo ghi nhận bởi nhóm “COVID-19 and Cancer Consortium” (CCC19) và những nhóm dân số khác cho thấy dao động từ 5% - 61% (phân tích gộp cho thấy khoảng 26%) cao hơn nhiều so với dân số chung bình thường (~2%-3%), dù đây là con số chưa điều chỉnh vì nhóm bệnh nhân ung thư có tuổi trung bình cao hơn, nhiều bệnh lý đi kèm hơn, thể trạng kém hơn; cũng như quá trình phân tích có sai số khác.

Nhiễm SARS-Cov-2 có thể gây ra việc trì hoãn chậm đáng kể và xấu trên tầm soát, chẩn đoán, điều trị, theo dõi trên bệnh nhân ung thư, qua đó làm tăng nguy cơ trên sống còn cũng như nguy hại gây ra do ung thư , gia tăng chi phí điều trị và quá tải của hệ thống y tế. Bên cạnh đó, việc nhiễm SARS-Cov-2 cũng tác động đáng kể trên những nghiên cứu và phát triển chẩn đoán điều trị ung thư và có thể làm sai số kết quả của những thử nghiệm lâm sàng đang thực hiện.

Mặc dù hiểu biết của việc tiêm chủng trên bệnh nhân ung thư  còn hạn chế, hiện có đủ bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng chống bệnh nhiễm là cần thiết, thậm chí trên bệnh nhân có điều trị ức chế miễn dịch (ngoại trừ vaccin từ thành phần gây bệnh sống giảm hoạt lực và vaccin sử dụng truyền dẫn có khả năng nhân đôi). Hiệu quả bảo vệ có thể giảm sút trên bệnh nhân đang điều trị những tác nhân ức chế tế bào B (kháng thể đơn dòng kháng CD19, CD20, CD10 và liệu pháp CAR-T cells) bởi vì khả năng cho hiệu quả miễn dịch kém. Mức độ hiệu quả có thể suy giảm trong một số nhóm dân số khác như bệnh nhân điều trị ức chế miễn dịch để ghéo tủy hay ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, dữ liệu ngoại suy từ những loại vaccin khác và cơ chế hoạt động của vaccin COVID-19 (không phải virus sống giảm hoạt lực), có lý do để tin rằng hiệu quả và tính an toàn của vaccin chống COVID-19 tương tự với nhóm bệnh nhân không phải ung thư khác dù hiện chưa có nhiều nghiên cứu. Sau khi ghép tủy, hiệu quả của vaccin có thể thay đổi trên những bệnh cảnh khác nhau như loại ung thư, mức độ và thuốc điều trị ức chế miễn dịch,… nhưng dường như lợi ích của việc tiêm vaccin vượt trội có ý nghĩa nguy cơ.

Tiêm phòng vaccin có thể không giúp hoàn toàn không nhiễm Covid-19 nhưng sẽ giúp giảm đáng kể bệnh diễn tiến nặng và giảm tỷ lệ tử vong do Covid. Thời gian của việc tiêm vaccin tùy thuộc vào hoàn cảnh từng người, tốt nhất trước khi điều trị toàn thân. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã điều trị ung thư bằng liệu pháp toàn thân, có thể chích vaccin giữa các liệu trình điều trị.

Việc tiêm vaccin chống COVID 19 nên được ưu tiên nhằm làm giảm tác động của đại dịch trên bệnh nhân ung thư. Những biện pháp cần thiết nhất cần được thực thi nhằm đảm bảo cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân ung thư được quyền sống an toàn và khỏe mạnh.

Một số khuyến cáo trên việc tiêm vaccin chống COVID-19 và bệnh nhân ung thư:

  • Tiêm phòng vaccin có thể không giúp hoàn toàn không nhiễm Covid-19 nhưng sẽ giúp giảm đáng kể bệnh diễn tiến nặng và giảm tỷ lệ tử vong do Covid.
  • Tuy có nhiều loại vacccin khác nhau, nhưng không nên có tâm lý chần chừ, lựa chọn vaccin, vì nếu chậm trễ hoặc không tiêm phòng thì nguy cơ nhiễm và bệnh nặng sẽ cao.
  • Bệnh nhân ung thư là đối tượng dễ tổn thương (nguy cơ cao hơn) nên được ưu tiên cho việc tiêm ngừa vaccin chống COVID-19.
  • Ung thư di căn, ung thư đang điều trị ức chế miễn dịch và ghép tủy, bệnh nhân đang điều trị với một số liệu pháp nhắm trúng đích hay liệu pháp miễn dịch,… không phải là chống chỉ định của việc tiêm vaccin. Hiệu quả của vaccin có thể giảm trên một số đối tượng, nhưng cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi tiêm vaccin.
  • Bệnh nhân ung thư có thể tiêm một số loại vaccin nếu không có chống chỉ định chuyên biệt cho loại vaccin đó. Tuy nhiên, những vaccin từ virus giảm hoạt lực hay vaccin sử dụng vector truyền dẫn hiện không khuyến cáo lựa chọn trên bệnh nhân ung thư.
  • Thời điểm tiêm vaccin tốt nhất là trước điều trị toàn thân. Tuy nhiên, có thể tiêm vaccin ở giữa những đợt điều trị toàn thân. Vaccin nên được tiêm cách điều trị đặc hiệu (hóa trị, liệu pháp miễn dịch, nhắm trúng đích, phẫu thuật,…) từ 5 đến 7 ngày nhằm có thể theo dõi bệnh nhân, tránh trùng lắp các tác dụng bất lợi của cả hai. Tiêm vaccin có thể tiến hành trong khi bệnh nhân xạ trị. Việc tiêm vaccin COVID có thể thực hiện trên những bệnh nhân đang điều trị liệu pháp nội tiết, ức chế tyrosin kinase,… đường uống mà không cần ngưng thuốc. Những liệu pháp khác có gây ức chế miễn dịch , làm giảm bạch cầu (hóa trị, ức chế CDK4/6,…) cần ngưng điều trị đặc trị ung thư và chờ cơ thể phục hồi để tiêm vaccin. Những điều trị ức chế miễn dịch liều cao, ghép tủy,… có thể cần chờ lên tới 3 tháng sau liệu trình mới tiêm vaccin.
  • Hiện nay vẫn chưa có chứng cứ trên việc tương tác giữa thuốc đặc trị ung thư và các loại vaccin chống COVID. Cần có thêm những nghiên cứu trên việc tác động của vaccin và việc tiêm vaccin trên tiến trình điều trị ung thư (liệu trình, liều lượng và độc tính).
  • Hiện có vaccin mở rộng chỉ định trên trẻ em từ 12 – 18 tuổi. Tuy nhiên, bằng chứng trên bệnh nhi ung thư chưa có nên hiện chưa có chỉ định trên nhóm này. 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Cổng thông tin điện tử : https://covid19.hochiminhcity.gov.vn/
  2. Hướng dẫn NCCN: https://www.nccn.org/docs/default-source/covid-19/2021_covid-19_vaccination_guidance_v3-0.pdf?sfvrsn=b483da2b_60
  3. Hướng dẫn ASCO:https://www.asco.org/asco-coronavirus-resources/covid-19-vaccines-patients-cancer
  4. Hướng dẫn ESMO: https://www.esmo.org/covid-19-and-cancer

 

HOTLINE 0916 248 159