VAI TRÒ XÉT NGHIỆM ĐỘT BIẾN EGFR TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI

VAI TRÒ XÉT NGHIỆM ĐỘT BIẾN EGFR

TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI

Lý Lệ Uyên, Thái Anh Tú

Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Ung Bướu

  1. Bệnh ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là loại ung thư có tỉ lệ mắc và tử vong cao đứng hàng thứ hai tại Việt Nam ở cả hai giới. Ung thư phổi được chia thành 2 nhóm lớn: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN). Trong đó UTPKTBN chiếm khoảng 80-85%, bao gồm carcinôm tuyến, carcinôm tế bào gai, carcinôm tế bào lớn và một số thực thể khác.

  1. Thụ thể yếu tố phát triển biểu bì (EGFR - Epidermal Growth Factor Receptor) là gì ?

Là thụ thể trên bề mặt tế bào, có chức năng tiếp nhận tín hiệu từ các yếu tố tăng trưởng và kích thích tế bào tăng sinh, phân chia và biệt hóa. EGFR là một glycoprotein xuyên màng, cấu tạo gồm 3 phần: phần ngoại bào tiếp nhận các kích thích của phối tử, phần xuyên màng và phần nội bào có khả năng đáp ứng với các kích thích tác động vào thụ thể ngoại bào thông qua quá trình phosphoryl hoá vùng tyrosine kinase, từ đó kích hoạt các con đường tín hiệu phụ thuộc EGFR bên trong tế bào.

  1. Đột biến gen EGFR là gì ?

Đột biến gen EGFR là dạng đột biến rất thường gặp ở bệnh nhân UTPKTBN, có khoảng 20% bệnh nhân UTPKTBN xuất hiện đột biến này. Tỉ lệ này được ghi nhận cao hơn ở các quốc gia châu Á, với khoảng 30%-50% bệnh nhân ung thư phổi người châu Á có đột biến EGFR. Đột biến này thường gặp ở bệnh nhân nữ, người không hút thuốc lá và có kết quả mô bệnh học là carcinôm tuyến.

Xét nghiệm đột biến EGFR để sử dụng các thuốc ức chế tyrosin kinase (TKI) được xem là một trong những phương pháp điều trị tối ưu giúp kiềm hãm sự phát triển của tế bào ung thư và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các thuốc TKI thế hệ I và II như Gefitinib, Erlotinib, Afatinib… cho thấy hiệu quả rõ rệt khi điều trị bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn tiến triển có đột biến EGFR ở exon 18, 19 và 21. Ngược lại, các trường hợp không mang đột biến EGFR hầu như không đáp ứng với các thuốc TKI.

  1. Tình trạng kháng thuốc TKI:

Các bệnh nhân UTPKTBN sau một thời gian điều trị với các thuốc TKI sẽ xảy ra tình trạng kháng thuốc, nguyên nhân thường gặp là do xuất hiện đột biến thứ phát T790M ở exon 20 của gen EGFR. Đột biến này làm thay đổi cấu trúc protein EGFR, gây mất hiệu quả của các thuốc TKI thế hệ đầu. Lúc này, việc xét nghiệm xác định tình trạng đột biến thứ phát (T790M) có ý nghĩa trong việc lựa chọn sử dụng thuốc TKI thế hệ thứ III (Osimertinib) cho bệnh nhân.

  1. Chỉ định xét nghiệm đột biến EGFR khi nào ?
  • Bệnh nhân được chẩn đoán mắc UTPKTBN giai đoạn tiến xa đã xác định bằng bằng giải phẫu bệnh.
  • Bệnh UTPKTBN đã từng điều trị thuốc TKI và xuất hiện kháng thuốc.

Bệnh phẩm: Mẫu mô từ khối u nguyên phát ở phổi hoặc từ các vị trí di căn; mẫu tế bào học và khối tế bào (cell-block) chọc hút từ khối u hoặc dịch ác tính từ các khoang cơ thể; mẫu máu ngoại vi của bệnh nhân.

  1. Các lưu ý khi xét nghiệm đột biến EGFR:

Thuốc TKI tuy hiệu quả nhưng chi phí còn cao, do đó xét nghiệm đột biến EGFR nhằm xác định đúng đối tượng bệnh nhân để điều trị là điều rất quan trọng. Vì vậy, để thực hiện xét nghiệm đột biến EGFR một cách chính xác cần đảm bảo các điều kiện:

  • Cơ sở và quy trình xét nghiệm đạt chuẩn;
  • Thiết bị và bộ kit xét nghiệm đạt tiêu chuẩn thực hành chẩn đoán (Invitro for Diagnostic – IVD);
  • Đăng ký ngoại kiểm;
  • Đăng ký cơ quan chủ quản (Sở Y tế).
HOTLINE 0916 248 159