SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ NGÀY 10/3/2021 TIẾP CẬN VÀ QUẢN LÝ ĐA CHUYÊN KHOA BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ GIAI ĐOẠN III

Như đã biết, ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) là dạng ung thư phổi phổ biến nhất. Nếu như ở giai đoạn IV hóa trị đóng vai trò chủ đạo thì ở giai đoạn III, cả phẫu thuật, xạ trị và hóa trị đều có một vai trò nhất định. Do đó, đứng trước một bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III, cần có sự phối hợp của đa chuyên khoa chuyên ngành nhằm tìm ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Nắm bắt được điều đó, ngày 10/03/2021, bệnh viện Ung Bướu TP. HCM đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Tiếp cận và quản lý đa chuyên khoa bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn III”

Chủ tọa của chương trình là TS.BS. Đặng Huy Quốc Thịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, cùng 03 báo cáo viên là BSCKII. Nguyễn Tuấn Khôi – Trưởng khoa Nội phụ khoa, phổi, BSCKII. Phạm Đức Nhật Minh – Phó Trưởng Khoa Ngoại ngực, bụng và PGS.TS. Cung Thị Tuyết Anh – Bộ môn Ung thư ĐHYD TP. HCM

BSCKII. Nguyễn Tuấn Khôi với bài trình bày đầu tiên đã tổng kết lại những điểm chính yếu trong điều trị UTPKTBN giai đoạn III:

  • Cần xác định chính xác rằng bệnh nhân không có di căn xa. Chẩn đoán Tumor có thể dựa vào CT, trong khi mức độ N nên dựa vào CT, mô bệnh học N, soi trung thất, hoặc EBUS
  • Chỉ định phẫu thuật của UTPKTBN giai đoạn III gồm chỉ có một chặng hạch N2/ bướu T4N0/
  • Hóa xạ trị đồng thời vẫn là điều trị tiêu chuẩn cho các trường hợp giai đoạn III không phẫu thuật được. Tuy nhiên PFS chỉ dưới 8 tháng và các trường hợp bướu còn lại sau đáp ứng sẽ không được điều trị tiếp
  • Xạ trị làm tăng cường biểu hiện PD – L1 trong các thử nghiệm tiền lâm sàng
  • Thuốc ức chế PD – L1 Durvalumab sử dụng ở nhóm bệnh nhân không tiến triển sau hóa xạ trị đồng thời giúp gia tăng PFS thêm 11.2 tháng, tăng OS và tăng ORR 12.4%

Tiếp theo, dưới góc nhìn của một Bác sĩ ngoại khoa, BSCKII Phạm Đức Nhật Minh đã chia sẻ những kinh nghiệm lâm sàng trong việc lựa chọn bệnh nhân phù hợp phẫu thuật và những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện phẫu thuật. Theo đó:

  • Hiện nay các hướng dẫn trên thế giới hầu như vẫn chưa thống nhất nhóm bệnh nhân phù hợp cho phẫu thuật
  • Đối với các trường hợp giai đoạn III, bướu T4, phẫu thuật có cải thiện sống còn chỉ ở các trường hợp bướu xâm lấn nhĩ (T), carina, khí quản, cột sống. Đặc biệt cần đánh giá cho từng trước hợp để chọn lựa nhóm bệnh nhân phù hợp nhất
  • Nhóm bệnh nhân giai đoạn III, N2 phù hợp phẫu thuật bao gồm bướu non bulky, đặc biệt nếu ở 1 vùng
  • Cần chẩn đoán chính xác giai đoạn trước phẫu thuật, tránh mở ngực thăm dò.

Cuối cùng, PGS.TS. Cung Thị Tuyết Anh dưới lăng kính của một Bác sĩ xạ trị đã làm rõ vai trò của hóa xạ trị đồng thời trong UTPKTBN giai đoạn III, cũng như là đưa ra những thành tựu mới của xạ trị trong những năm gần đây:

  • HXĐT là điều trị triệt để với mục đích chữa khỏi, cho trung vị OS~ 22-25 tháng, OS 5 năm 20% và kéo dài OS tuyệt đối 4.5% so với hóa xạ tuần tự
  • Hiện nay, HXĐT gồm 2-4 chu kỳ hóa trị đủ liều với bộ đôi thuốc có platin + xạ trị 60-70Gy, phân liều 1.8 – 2Gy được xem là điều trị tiêu chuẩn.
  • Đánh giá chức năng trước xạ trị cần đầy đủ chức năng tim mạch và hô hấp
  • Những kỹ thuật mới được áp dụng tại BVUB bao gồm kỹ thuật xạ IMRT, kỹ thuật xạ trị có kiểm soát nhịp thở, chụp cone-beam CT kiểm tra trước xạ trị
  • Lựa chọn kỹ thuật xạ trị phải dựa trên tính chất T,N
  • Tùy vào đặc điểm từng bệnh nhân có thể tùy biến lựa chọn hóa xạ tuần tự, xạ trị đơn thuần, điều trị toàn thân
  • Không có vai trò của xạ trị dự phòng vào não
  • Liệu pháp miễn dịch củng cố sau HXTĐT đã được chứng minh có lợi ích rõ rệt và nên sớm được áp dụng vào thực tế lâm sàng tại VN.

 

Hi vọng rằng những nội dung chính rút ra từ chương trình sinh hoạt nêu trên sẽ là hành trang tốt cho các bác sĩ tham dự, giúp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng, góp phần chăm sóc điều trị bệnh nhân ngày càng tốt hơn.

(Võ Đức Hiếu, Lê Hoàng Đình Nguyên - BV Ung Bướu TP. HCM)

HOTLINE 0916 248 159