“NHỮNG TÁC DỤNG PHỤ THƯỜNG GẶP KHI ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA VỚI BỆNH NHÂN UNG THƯ VÚ VÀ CÁCH XỬ TRÍ”

CLB TRÒ CHUYỆN CÙNG BÁC SĨ CHUYÊN KHOA THÁNG 12:

“NHỮNG TÁC DỤNG PHỤ THƯỜNG GẶP KHI ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA

VỚI BỆNH NHÂN UNG THƯ VÚ VÀ CÁCH XỬ TRÍ”

Những chia sẻ tâm tình đằng sau mỗi câu chuyện của bệnh nhân, những giọt nước mắt  hòa quyện vào những nụ cười tạo nên một buổi sinh hoạt CLB Trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa tháng 12 thật ấm áp và đầy ý nghĩa. Với chủ đề “Những tác dụng phụ thường gặp khi điều trị nội khoa với bệnh nhân ung thư vú và cách xử trí” được diễn ra vào sáng 22/12/2022 tại bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình CLB trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa tháng 12 lần này với sự tham gia của các bác sĩ chuyên gia:

1. TS.BS. Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu ;

2. TS.BS. Nguyễn Hoàng Quý - Phó trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu ;

3. BS.CKII. Trần Thị Anh Tường - Trưởng khoa Dinh Dưỡng Tiết chế.

Sinh hoạt chuyên đề

Với bài báo cáo “Tác dụng phụ khi hóa trị ung thư vú’’, TS.BS. Nguyễn Hoàng Quý chia sẻ tác dụng phụ khi hóa trị không chỉ riêng của bệnh ung thư vú mà còn gặp tại các bệnh lý khác. Nội dung bài báo cáo xoay quanh hai vấn đề chính là: Người bệnh khi hóa trị có thể bị tác dụng phụ nào? Người bệnh làm gì khi gặp tác dụng phụ? :

BS Quý đặt ra tình huống bệnh nhân đã biết bị ung thư và thực hiện các phương pháp điều trị (mổ, truyền hóa chất sinh học, xạ trị, truyền thuốc nội tiết). Khi thuốc hóa chất truyền vào cơ thể, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như thiếu hồng cầu sẽ dẫn mệt mỏi, cần truyền máu; thiếu bạch cầu dễ dẫn đến nhiễm trùng, tiêm thuốc bạch cầu; thiếu tiểu cầu gây ra các chấm bầm, chảy máu cần phải truyền tiểu cầu; men gan tăng, các ảnh hưởng đến tim, khi truyển thuốc hóa chất sẽ gây ra tác dụng phụ là thuốc hóa chất thoát ra khỏi “ven gây đen dọc ở tay”. Do đó, kỹ thuật đặt buồng tiêm dưới da là lựa chọn nhằm mục đích thuốc truyền vào các mạch máu lớn và truyền hóa chất dễ dàng hơn, hoàn toàn không gây mất thẩm mỹ. Đặc biệt lưu ý: khi gặp tác dụng phụ người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và trao đổi với Bác sĩ điều trị để được chỉ định phù hợp.

 

TS.BS. Nguyễn Hoàng Quý trình bày Báo cáo

Qua đó BS Quý đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân để đạt được trạng thái tâm lý tốt nhất là: đi bộ nhẹ nhàng, gặp khó khăn nên nhờ trợ giúp người thân y bác sĩ, cắt tóc ngắn, thực hiện các động tác Thiền, Yoga… Tại khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu trước khi điều trị mỗi bệnh nhân sẽ được tư vấn về phác đồ phù hợp dựa trên các yếu tố như điều kiện kinh tế, sức khỏe; được cung cấp các thông tin rõ ràng về lợi ích, nguy cơ, tác dụng phụ của hóa trị nhằm đem lại sự lựa chọn phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân.

Giao lưu, trò chuyện cùng Bác sĩ chuyên khoa

Buổi giao giao lưu, trò chuyện còn nhận được nhiều câu hỏi của nhiều bệnh nhân liên quan đến vấn đề dinh dưỡng. BS.CKII. Trần Thị Anh Tường tận tình chia sẻ: trong thời gian điều trị, bệnh nhân khuyến cáo nên hạn chế dùng thịt đỏ, định lượng dùng khoảng 300g thịt/tuần vì thịt đỏ làm giảm tác dụng hiệu quả của thuốc sinh học; các loại nước bưởi ép, nước lựu sẽ làm tăng độc tính của thuốc hoặc tăng tác dụng phụ của thuốc không mong muốn, vì thế khuyên bệnh nhân thay thế bằng các loại trái cây tăng sức đề kháng có màu xanh, màu đỏ đậm như nho, dâu, kiwi… Bệnh nhân cần lưu ý khi bị tiêu chảy, cần bổ sung nước chanh muối sẽ giúp bù lại lượng muối bị mất và cần bổ sung uống thật nhiều nước. Đặc biệt, khi đã qua quá trình điều trị, bệnh nhân cần có chế độ ăn phù hợp không cần kiêng cử nhiều. Điều quan trọng hơn hết mà BS Tường nhắn nhủ là tinh thần lạc quan vui vẻ, an tâm và tin tưởng vào sự điều trị của các y bác sĩ.

BS.CKII. Trần Thị Anh Tường giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân

Tại buổi sinh hoạt, ngoài việc tư vấn sức khỏe với các chuyên gia của Bệnh viện, nhiều người bệnh cũng đã chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong suốt quá trình điều trị; những giọt nước mắt của những người tham dự chương trình. Chị N. (quê tại Gia Lai) xúc động, rơi nước mắt chia sẻ rằng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn muốn dừng lại đợt mổ này.

Chị N chia sẻ về hoàn cảnh của mình

Đồng cảm với hoàn cảnh bệnh nhân, TS.BS. Phan Thị Hồng Đức nhắn nhủ bệnh nhân cần chia sẻ hoàn cảnh của mình cho bác sĩ điều trị để lựa chọn phương án phù hợp. Bệnh viện luôn đồng hành cùng người bệnh, Phòng Công tác xã hội, Khoa điều trị và các mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ người bệnh.

TS.BS. Phan Thị Hồng Đức chia sẻ với bệnh nhân

Anh T, (quê tại Đồng Nai) nghẹn ngào không cầm được nước mắt chia sẻ về trường hợp ba của anh bị ung thư phổi di căn, giờ sức khỏe yếu đi, hỏi các bác sĩ chuyên khoa là gia đình muốn chuyển qua uống thuốc nam có được hay không? Trả lời câu hỏi, TS.BS. Phan Thị Hồng Đức chia sẻ : thân nhân gia đình nên lựa chọn các cơ sở y tế có chuyên môn để có sự tư vấn an toàn, không nên sử dụng những loại thuốc nam không rõ nguồn gốc có thể gây nên tác dụng phụ không mong muốn, tiền mất tật mang.

Anh T. chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình mình

Nhiều người thân bệnh nhân quan tâm đến ‘‘Ung thư có tính di truyền hay không ?’’. Giải đáp thắc mắc này BS Quý cho biết : 85% bệnh nhân ung thư không rõ nguyên nhân, 5 - 15% bệnh nhân ung thư có yếu tố di truyền, cho nên xác định yếu tố di truyền có hay không cần được tư vấn về ung thư di truyền. Sắp tới, bệnh viện Ung Bướu sẽ triển khai về ‘‘Tư vấn Ung thư di truyển’’ để giải đáp những thắc mắc của bệnh nhân, thân nhân và gia đình để có được kế hoạch khám sức khỏe định kỳ hàng năm; nhằm tầm soát phát hiện sớm ung thư, tăng cơ hội điều trị, giảm thiểu khả năng ung thư lan rộng và tăng cơ hội hồi phục hoàn toàn.

TS.BS. Nguyễn Hoàng Quý chia sẻ với bệnh nhân

Chương trình khép lại không chỉ đem đến những kiến thức về bệnh ung thư mà còn là nơi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, hỗ trợ tinh thần, chiến đấu cùng bệnh nhân.

Giao lưu cùng bác sĩ chuyên khoa

 

HOTLINE 0916 248 159