NƠI SẺ CHIA NỖI NIỀM VUI, BUỒN CÙNG BÁC SĨ CHUYÊN KHOA

“Bác sĩ ơi! Cho tôi hỏi…” là những từ ngữ trở nên quen thuộc, gần gũi với bệnh nhân, thân nhân người bệnh khi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa. Trải qua 4 kỳ sinh hoạt, Câu lạc bộ dần trở thành nơi gặp gỡ sinh hoạt, trao đổi thông tin giữa bác sĩ và bệnh nhân “không ranh giới”.

Ảnh: Bác sĩ và bệnh nhân chụp hình lưu niệm sau mỗi kỳ sinh hoạt.

Sẻ chia nỗi niềm - Trao tay kiến thức

Ở mỗi kỳ sinh hoạt, gần 200 bệnh nhân, thân nhân ngồi ở hội trường khu Xạ trị gia tốc của BV Ung Bướu không chỉ để lắng nghe những kinh nghiệm điều trị quý báu của các bác sĩ chuyên khoa, mà còn tâm sự câu chuyện của chính mình để tạo động lực cùng nhau vượt qua bệnh tật.

Cô H.Th.Ch (64 tuổi, quê Quảng Nam) rất thích làm công tác thiện nguyện tại các bệnh viện. Năm 2012 trong lúc đang đi phát cơm cho người nghèo, cô phát hiện trên ngực mình có một khối cứng bằng hạt bắp. “Khi phát hiện vậy và đi khám lại, nghe bác sĩ nói mình đã bị ung thư vú mà không tin nổi vào sự thật. Tôi được phẫu thuật ngay sau đó. 15 tháng sau, bệnh tái phát và xâm lấn sang toàn bộ thành ngực" – cô Ch kể lại. Hành trình chữa trị căn bệnh này bắt đầu từ đó. Vốn là người lạc quan nên cô Ch. sớm lấy lại tinh thần, vẫn cố gắng duy trì những chuyến đi từ thiện. Nhưng khi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ, cô cũng không khỏi nén nỗi niềm xúc động, vừa khóc vừa cười bật thành lời “Thấy mặt bác sĩ Hà là tôi muốn ói”. (ảnh)

Nhẹ nhàng sẻ chia câu chuyện này, BS.CKII. Trần Nguyên Hà, Trưởng khoa Nội 4, BV Ung Bướu TP.HCM cho biết: các nữ bệnh nhân nói vậy xuất phát từ trải nghiệm điều trị bệnh. Vì những bệnh nhân ung thư vú khi đã vào giai đoạn nặng, phải hóa trị, xạ trị nhiều lần. Nhiều trường hợp ói cả mật xanh, mật vàng sau những lần vô thuốc, không ăn uống gì được, sức khỏe suy kiệt đến ám ảnh là “khi thấy bác sĩ …. muốn ói”.

Với cánh tay phải bị phù to, căng, nặng nề, chị Tr.T.H (44 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ năm 2006, chị phát hiện ung thư vú và phẫu thuật ngay sau đó. Để tránh bệnh tái phát, chị được các bác sĩ nạo toàn bộ hạch nách phải. "Hiện sức khỏe tạm ổn nhưng cánh tay phải thì bị sưng vù, căng cứng, nặng nề. Điều này khiến cuộc sống tôi bị đảo lộn vì sinh hoạt rất khó khăn" - chị H lo lắng.

Chia sẻ nỗi lo cùng bệnh nhân, BS.CKII Nguyễn Anh Luân, Trưởng khoa Ngoại 4 Bệnh viện Ung bướu - cho biết phù nề cánh tay bên vú bị bệnh (phù mạch bạch huyết) là một trong những biến chứng thường gặp sau phẫu thuật ung thư vú. Tại Bệnh viện Ung Bướu có 20 - 30% chị em sau phẫu thuật ung thư vú gặp biến chứng này. Vì bệnh nhân bị ung thư vú sẽ phải cắt tuyến vú và nạo vét hạch nách. Trường hợp có nhiều hạch di căn thì phải tia xạ vào vùng nách để phòng ngừa tái phát di căn. Chính việc phẫu thuật nạo vét hạch nách và tia xạ đã lấy đi những đường dẫn lưu bạch huyết từ cánh tay về tuần hoàn chung, khiến bạch huyết ở tay dần dần ứ trệ, gây hiện tượng phù nề. Để giảm biến chứng này, có những bài tập tay hoặc những động tác mát-xa phù hợp với bệnh nhân dễ dàng tập luyện và không còn triệu chứng phù nề. (ảnh)

 

Không chỉ giải đáp, trao đổi những kiến thức về bệnh, các bác sĩ chuyên khoa còn lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với những câu chuyện, nỗi niềm của bệnh nhân về những khó khăn khi việc điều trị bệnh có ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân; những tác dụng phụ của thuốc làm người bệnh gặp trở ngại trong tâm lý và những kinh nghiệm rất đời thường của bệnh nhân trong việc hỗ trợ điều trị.

Ảnh: TS.BS. Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng Khoa Xạ 1/Trưởng Bộ môn Ung Bướu ĐH Y Dược TP.HCM lắng nghe, chia sẻ cùng một bệnh nhân ung thư ổ tử cung (ngụ Quãng Ngãi) về những ảnh hưởng của đợt điều trị đối với cuộc sống hôn nhân

Chia sẻ kinh nghiệm vui, chị Ng.T.Thanh.Tuyền (53 tuổi), là bệnh nhân ung thư vú hơn 10 năm điều trị tại bệnh viện cho biết: “Cách đây lâu năm, tôi thấy trên báo có một thông tin giữ gìn sức khỏe cho bệnh nhân ung thư là mỗi ngày chỉ cần ăn 2 quả chuối. Tôi cũng thử áp dụng theo hàng ngày. Chắc có lẽ vậy, hơn 10 năm nay, tôi khỏe hẳn. Sau lời chia sẻ này, cả hội trường cười rần cả lên, như xóa tan những nỗi lo lắng bệnh tật của những bệnh nhân mới tham gia CLB”.

Tiếp thêm động lực cho những bệnh nhân mới, cô L.Th.Dung (60 tuổi) chia sẻ những chặng đường, kinh nghiệm của chị trong suốt quá trình điều trị bệnh ung thư vú. Có những lúc cô cũng suy sụp tinh thần, rồi được bác sĩ, những bệnh nhân đồng cảnh ngộ động viên, giúp chị vượt qua nỗi sợ, lạc quan, yêu đời đối đầu với bệnh tật đến ngày hôm nay.

Những khoảng khắc đọng lại

Đến với Câu lạc bộ, gần 200 bệnh nhân là những hoàn cảnh khác nhau, mắc những căn bệnh khác nhau, có những nỗi niềm khác nhau … nhưng họ có chung một niềm tin cùng giúp nhau vượt qua những trợ ngại, cú sốc tâm lý ban đầu khi phát hiện bệnh để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Họ truyền cho nhau những ngọn lửa tinh thần để vượt qua những đớn đau của những đợt điều trị. Họ vật dậy những tâm hồn yếu ớt của những bệnh nhân cùng cảnh ngộ trên mọi miền đất nước để nắm chặt tay nhau đi về hướng mặt trời.

Ảnh: Niềm vui của bệnh nhân khi nhận món quà may mắn từ chương trình sinh hoạt CLB

“Chúng tôi đã từng trải qua những lúc hoang mang, suy sụp, rồi tự mình đứng lên. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu nỗi đau mà những người mới phát hiện bệnh gặp phải, nên chúng tôi mong muốn được “tiếp lửa” cho từng bệnh nhân. Không đủ sức để đi hết từng khoa, phòng nhưng hễ gặp người nào suy sụp là lập tức động viên bằng những lời khuyên tích cực để cùng chiến đấu, chiến thắng bệnh tật, chứng minh được rằng ung thư chưa phải là “án tử”...” – Tâm sự của chị Ng.TT.Tr (42 tuổi, TP.HCM), là bệnh nhân ung thư vú và một trong những thành viên của CLB.

Cũng là một bệnh nhân đang điều trị ung thư đại trực tràng tại BV Ung bướu hơn 1 năm nay, được “truyền lửa” từ nhóm thành viên CLB, anh Thành (quê Đà Nẵng) tươi cười cho biết: sau khi thực hiện ca phẫu thuật tại BV Đà Nẵng, anh điều trị hóa chất tại BV Ung bướu (TP.HCM). Thời gian đầu, anh mệt mỏi, lo sợ đến nỗi tắt hết nụ cười, phó mặc tất cả cho số phận… Sau khi gặp nhóm của chị Tr, anh như người đuối nước vớ được cọc. Rồi anh tham gia CLB, được chia sẻ với bác sĩ nhiều hơn. Anh đã nhiều lần tưởng chết nhưng vẫn còn sống, cười rất nhiều và rất lạc quan…”.

Sau những lời tư vấn, khuyến cáo từ bác sĩ, những lời động viên, không còn ranh giới “thầy thuốc và bệnh nhân, khoảng khắc đọng lại của bác sĩ và những bệnh nhân là những ca khúc, giai điệu lời ca tiếng hát hòa quyện cùng nhau đem đến những thông điệp yêu thương, ấm áp và khẳng định một điều “đằng sau những bệnh nhân ung thư luôn luôn có sự nâng đỡ, chăm sóc tận tình của bác sĩ”. “Bệnh nhân cảm ơn bác sĩ, nhưng bác sĩ cũng cần cảm ơn những bệnh nhân. Vì có bệnh nhân, bác sĩ mới có những kinh nghiệm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của mình” – Lời bộc bạch của BS.CKII.Trần Nguyên Hà trong một kỳ sinh hoạt.

Khép lại mỗi kỳ sinh hoạt, các thành viên CLB “Trò chuyện cùng BS chuyên khoa” đã nắm chặt tay nhau, truyền nhau những nụ cười, hơi ấm tình thương, những cung bậc cảm xúc để mạnh mẽ cùng nhau chiếu đấu và chiến thắng bệnh tật.

HOTLINE 0916 248 159