SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ PHỔI NGÀY 01-07-2020

Ung thư phổi là bệnh ung thư thường gặp và là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư trên thế giới. Bệnh có thể gặp ở cả phái nam và nữ. Bệnh ung thư phổi có 2 loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (20%) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (80%). Các triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, và diễn tiến âm thầm, dẫn đến khó khăn trong chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Do đó, khi phát hiện bệnh, đa số bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, bệnh không còn có thể chữa dứt điểm. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc của chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, đặc biệt là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Với sự tìm ra đột biến gen EGFR (yếu tố tăng trưởng biểu bì), một dạng đột biến rất thường gặp trên những bệnh nhân ung thư phổi, đặc biệt ở chủng tộc Châu Á, giới nữ và người không hút thuốc lá. Những bệnh nhân ung thư phổi tế bào không nhỏ ở giai đoạn tiến xa có đột biến gen EGFR được điều trị bằng các thuốc ức chế tyrosin kinase (TKIs) để trì hoãn sự phát triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Nằm trong kế hoạch tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao kiến thức và được sự cho phép của Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, Bệnh viện Ung Bướu đã tổ chức thành công buổi sinh hoạt chuyên đề trực tuyến “Giải pháp tối ưu trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR(+)” vào ngày 01/7/2020. Chương trình được phát trực tuyến đến các bệnh viện trên cả nước như: BVUB TP. Cần Thơ, BVUB Đà Nẵng, BVĐK tỉnh Kiên Giang, BVĐK Cà Mau, BVĐK Đồng Nai, BVĐK Quảng Ninh, BV Phổi Trung Ương, BV K, BVUB Hà Nội, BV 108, BVUB Nghệ An, BV. Nhân dân Gia Định, BV. 30/4...

Chủ tọa của chương trình là TS.BS. Phạm Xuân Dũng-Giám đốc BVUB
TP. HCM, cùng điều phối chương trình tại các đầu cầu chính là TS.BS. Võ Văn Kha - Phó Giám đốc BVUB TP. Cần Thơ và ThS.BS. Phan Vĩnh Sinh - Phó Giám đốc BVUB Đà Nẵng.

Hai báo cáo viên nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực ung thư phổi là BSCKII. Nguyễn Tuấn Khôi-Trưởng Khoa Nội 1-Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM chia sẻ đề tài “Ca lâm sàng với Gefitinib trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR (+)”. và GS.BS. Liam Chong Kin - Trường Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia (tham gia báo cáo trực tuyến) chia sẻ đề tài “Lựa chọn đầu tay trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển/di căn có đột biến EGFR (+); cùng với sự tham dự và tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của các bác sĩ tại bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, đặc biệt là bác sĩ nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực ung thư phổi đại diện tại các đầu cầu truyền hình cùng tham luận trong buổi sinh hoạt chuyên đề như TS.BS. Võ Văn Kha-Phó Giám đốc BVUB TP. Cần Thơ; ThS.BS. Phan Vĩnh Sinh - -Phó Giám đốc BVUB Đà Nẵng; TS.BS. Đỗ Hùng Kiên, TS.BS. Nguyễn Thị Thái Hòa - BV K, BSCKII. Đặng Văn Khiêm - Bệnh viện Phổi Trung ương; PGS.TS. Nguyễn Đình Tiến - BV 108....

 

Chương trình sinh hoạt đã đúc kết ra được những thông điệp chính như sau:

  • Nghiên cứu IPASS: nghiên cứu nhãn mở, ngẫu nhiên có đối chứng, đa trung tâm, pha III đã nghiên cứu hiệu qủa, tính an toàn và sự dung nạp của Gefitini so với hóa trị bộ đôi carboplatin/paclitaxel trong điều trị bước một ở nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) giai đoạn tiến xa (IIIB, IV). Các đặc điểm của dân số nghiên cứu: người châu Á, không hút thuốc, chưa từng hóa trị. Kết cuộc chính: PFS không kém hơn của Gefitinib so với C/P. Một số kết cuộc phụ: tỉ lệ đáp ứng, sống còn toàn bộ chất lượng sống, tính an toàn và độ dung nạp. Kết quả: PFS ở nhóm dùng Gefitinib là trội hơn hẳn so với nhóm C/P. Đột biến EGFR là một yếu tố tiên lượng PFS và đáp ứng bướu. TKIs ở nhóm bệnh nhân có đột biến EGFR kéo dài đáng kể PFS ở tất cả các nhóm.
  • Tuy nhiên OS không có sự khác biệt
  • Các cơ chế chính dẫn đén đề kháng TKIs thế hệ 1 và 2 ở NSCLC có đột biến EGFR: thay đổi phenotype (chuyển thành SCLC), kích hoạt con đường dẫn truyền khác (c-MET, HER2), đột biến EGFR thứ 2 (T790M) ngăn cản sự gắn kết của TKIs...
  • Điều trị tiếp theo sau khi bệnh tiến triển: cân nhắc các yếu tố có triệu chứng hay không, vị trí và số lượng di căn, sinh thiết lại đánh giá đột biến T790M, hoặc chuyển sang hóa trị.
  • Nghiên cứu FLAURA: Osimertinib (TKI thế hệ 3) so với TKI thế hệ 1 trên bệnh nhân NSCLC tiến xa có đột biến EGFR. Kết quả nghiên cứu: Nhóm bệnh nhân điều trị Osimertinib tăng PFS có ý nghĩa (cả nhóm có hoặc không có di căn não), tăng sống còn toàn bộ khi so với nhóm bệnh nhân điều trị TKI thế hệ 1.
  • Với nhóm bệnh nhân có di căn não từ đầu, xạ phẫu não (Stereotactic radiosurgery) sau đó điều trị với TKI mang lại OS tốt nhất.
  • Các nghiên cứu OPTIMAL, LUX lung 3, IPASS đều cho thấy EGFR TKI hơn hẳn hóa trị về PFS ở các bệnh nhân có đột biến EGFR. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu pha III nào so sánh các EGFR TKI với nhau trong điều trị bước 1.
  • Tất cả bệnh nhân NSCLC giai đoạn tiến triển và di căn đều cần được kiểm tra đột biến EGFR trước khi sử dụng TKIs.

Hi vọng rằng những nội dung chính rút ra từ chương trình sinh hoạt nêu trên sẽ là hành trang tốt cho các BS tham dự, giúp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng, góp phần chăm sóc điều trị bệnh nhân ngày càng tốt hơn.

 

Võ Đức Hiếu- Lương Hoàng Tiên (BV Ung Bướu TP. HCM)

HOTLINE 0916 248 159