NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG TÌM HIỂU VỀ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

TÌM HIỂU VỀ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

 

UNG THƯ BUỒNG TRỨNG LÀ GÌ?

Ung thư buồng trứng diễn ra khi các tế bào buồng trứng bình thường chuyển thành các tế bào bất thường và phát triển vượt qua sự kiểm soát của cơ thể.

Ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm ung thư phụ khoa do các triệu chứng bệnh không rõ ràng nên người bệnh thường không chủ động kiểm tra, phát hiện sớm.

Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở cơ quan sinh sản ở phụ nữ. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 50 đến 65. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của phụ nữ là khoảng 1,4%.

Ung thư buồng trứng thường xảy ra ở độ tuổi từ 50-65 tuổi, có khoảng 5-10% liên quan đến di truyền.

Có một số loại ung thư khác nhau có thể bắt đầu trong buồng trứng; phổ biến nhất được gọi là ung thư "biểu mô" buồng trứng.

 

TRIỆU CHỨNG CỦA UNG THƯ BUỒNG TRỨNG LÀ GÌ?

Ung thư buồng trứng trong giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất mơ hồ khó xác định.Các triệu chứng thường là cảm giác khó chịu vùng bụng chậu, đầy hơi ,ăn không tiêu, bụng to , tiểu nhắt,... Phần lớn trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn sớm được phát hiện qua khám sức khỏe.

Do ung thư buồng trứng giai đoạn sớm không có dấu hiệu lâm sàng nào rõ rệt, nên phần lớn trường hợp người bệnh phát hiện thì đã ở giai đoạn trễ (75%) thường bệnh nhân lúc này có triệu chứng đau bụng, sụt cân, nôn ói, ăn không ngon…

 

CÁC CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN UNG THƯ BUỒNG TRỨNG?

Khi bác sĩ của bạn nghi ngờ ung thư buồng trứng, sẽ cho bạn thực hiện các cận lâm sàng sau:

Siêu âm bụng hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác: Có thể thấy được các bất thường trong ổ bụng (bướu buồng trứng, dịch ổ bụng, tình trạng gieo rắc bướu…).

Xét nghiệm máu: Có một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán ung thư buồng trứng, như xét nghiệm CA125, bình thường CA125< 35u/ml. Khi chỉ số này tăng có thể giúp nghĩ đến ung thư buồng trứng, CA125 có thể tăng trong các bệnh lý khác (lạc nội mạc tử cung, bướu tử cung...).

Phẫu thuật: Cách để biết chắc chắn có bị ung thư buồng trứng hay không, phải trãi qua phẫu thuật đánh giá, lấy mô bướu làm giải phẫu bệnh, có thể thực hiện bằng mổ hở hay mổ nội soi. Sau đó trong lúc mổ, mẫu mô sinh thiết sẽ được gửi ngay cho các bác sĩ Giải Phẫu bệnh đọc kết quả (sinh thiết lạnh), kết quả này sẽ được báo ngay cho bác sĩ phẫu thuật viên xem có dấu hiệu ung thư hay không. Sau mổ xong, sẽ đọc kết quả một lần nữa để chắc chắn kết quả sinh thiết lạnh là chính xác.

Nếu kết quả sinh thiết lạnh là ác tính, việc điều trị sẽ được thực hiện bao gồm cắt tử cung, 2 phần phụ và mạc nối lớn. Trong trường hợp trễ, bướu lan tràn, bác sĩ sẽ cố gắng lấy càng nhiều bướu càng tốt (phẫu thuật giảm thiểu bướu). Sau mổ bác sĩ sẽ hướng dẫn các hướng điều trị tiếp theo (hóa trị...).

 

XẾP GIAI ĐOẠN CỦA UNG THƯ BUỒNG TRỨNG?

Là một cách để bác sĩ đánh giá bệnh ung thư của bạn lan rộng đến mức độ nào. Việc xếp giai đoạn sẽ giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Ung thư buồng trứng được chia thành 4 giai đoạn chính:

            Giai đoạn 1: bướu còn giới hạn ở 1 hoặc 2 buồng trứng.

            Giai đoạn 2: bướu lan ra khỏi buồng trứng và gieo rắc ở vùng chậu hoặc tử cung.

            Giai đoạn 3: bướu gieo rắc vụng bụng trên, bề mặt các quai ruột hoặc di căn hạch chậu, hạch ổ bụng.

            Giai đoạn 4: bướu di căn xa đến các cơ quan khác như gan, phổi hoặc hạch cổ

Bệnh nhân được xếp giai đoạn 1 thì được coi là giai đoạn sớm. Ngược lại, từ giai đoạn 2 trở lên thì được xem là bệnh ở giai đoạn muộn.

UNG THƯ BUỒNG TRỨNG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Đầu tiên là phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư tùy theo giai đoạn và ý muốn của bệnh nhân,có các phẫu thuật sau:

  • Có thể chỉ cắt phần phụ mang bướu ở phụ nữ trẻ còn muốn sanh con và bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm.
  • Phẫu thuật cắt tử cung + 2 phần phụ+ mạc nối lớn.
  • Phẫu thuật giảm tổng khối bướu: Cố gắng lấy càng nhiều bướu càng tốt.

Điều trị tiếp theo (hóa trị) phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.Ở những giai đoạn sớm có khi không cần phải hóa trị.

 

1. Phẫu thuật điều trị ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng được chẩn đoán (và xác định giai đoạn) thông qua phẫu thuật thăm dò. Bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ cắt bỏ tất cả các phần ung thư có thể nhìn thấy. Trong hầu hết các trường hợp, cần loại bỏ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Điều này được thực hiện để đảm bảo loại bỏ càng nhiều tổ chức liên quan đến ung thư càng tốt và giúp ngăn ngừa ung thư di căn. Trong một số tình huống, các bác sĩ đề nghị điều trị bằng hóa trị trước khi phẫu thuật.

 

 

2. Có cần hóa trị sau phẫu thuật không?

Hầu hết phụ nữ bị ung thư buồng trứng đều được điều trị bằng hóa trị liệu (ngoài phẫu thuật). Sau khi ung thư được loại bỏ bằng phẫu thuật nhiều nhất có thể, vẫn có nguy cơ các tế bào ung thư vẫn tồn tại và quay trở lại hoặc di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào này; giúp ung thư không tái phát và giảm nguy cơ tử vong do ung thư buồng trứng.

Việc có cần hóa trị hay không phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và mức độ ác tính của khối u (còn được gọi là "cấp độ" của khối u); điều này được xác định trong hoặc sau khi phẫu thuật bởi bác sĩ bệnh học dựa trên các mô dưới kính hiển vi. Nói chung, hóa trị được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng, ngoại trừ trong trường hợp phụ nữ trong giai đoạn bệnh IA hoặc IB (còn gọi là "bệnh ở giai đoạn đầu") mà phẫu thuật đơn thuần là đủ. Phụ nữ bị bệnh ở giai đoạn sau được sử dụng hóa trị. Mặc dù ung thư giai đoạn tiến xa có liên quan đến tiên lượng kém hơn, nhưng hóa trị liệu có thể giúp giảm triệu chứng và làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Giai đoạn và “cấp độ” tế bào ung thư cũng sẽ ảnh hưởng đến loại thuốc hóa trị nào mà bác sĩ đề nghị sử dụng.

 

3. Hóa trị là gì?

Hóa trị là sử dụng các loại thuốc để ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư. Hóa trị nhằm can thiệp vào khả năng phân chia hoặc nhân lên của các tế bào đang phát triển. Bởi vì hầu hết các tế bào bình thường của một người trưởng thành không phát triển tích cực, nên chúng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi hóa trị như các tế bào ung thư. Tuy nhiên, các tế bào trong tủy xương (nơi sản sinh ra các tế bào máu), nang lông và niêm mạc của đường tiêu hóa thuộc loại phát triển mạnh, nên sẽ chịu ảnh hưởng của hóa trị và biểu hiện qua các tác dụng phụ của thuốc hóa trị liệu (như rụng tóc hoặc buồn nôn, tiêu chảy...).

Những loại hóa trị được sử dụng? - Trong số các tác nhân hóa trị được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị ung thư buồng trứng là taxan (paclitaxel hoặc docetaxel) và các tác nhân platinum (carboplatinum hoặc cisplatinum). Các nghiên cứu đã chứng minh rằng hóa trị liệu chứa platinum và taxane giúp cải thiện khả năng sống của phụ nữ bị ung thư buồng trứng so với các liệu pháp khác. Sự kết hợp của một loại thuốc platinum (thường là carboplatinum) và taxane (thường là paclitaxel) là chế độ hóa trị liệu tiêu chuẩn.

 

4. Hóa trị được quản lý như thế nào?

Hầu hết các loại thuốc hóa trị được tiêm tĩnh mạch (bằng IV). Tuy nhiên trong một số tình huống, các bác sĩ có thể sử dụng một liệu pháp điều trị khác liên quan đến việc hóa trị cả bằng IV và trực tiếp vào khoang bụng (phúc mạc). Đây gọi là liệu pháp tiêm tĩnh mạch/ tiêm trong màng bụng (IV/ IP).

Nói chung bất kể cách điều trị được sử dụng (IV hay IV/ IP), thuốc hóa trị được đưa ra theo trình tự được xác định cẩn thận trong khoảng thời gian vài tháng. Các liệu trình hóa trị thường diễn ra hàng tuần hoặc ba tuần một lần. Một "liệu trình" hóa trị liên quan đến thời gian điều trị và khoảng nghỉ sau đó để cơ thể có thời gian phục hồi. Trong thời gian này, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu tác dụng phụ của thuốc.

 

5. Hóa trị trước khi phẫu thuật

Trong hầu hết các trường hợp thì hóa trị được đưa ra sau phẫu thuật ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, một số bác sĩ có thể đưa ra một vài chu kỳ hóa trị trước khi phẫu thuật, đối với một số bệnh nhân nhất định (được gọi là hóa trị "hóa trị tân bổ trợ"). Mục tiêu là để giảm kích thước khối u và giúp bác sĩ phẫu thuật loại bỏ tất cả phần ung thư thuận lợi hơn. Hóa trị tân bổ trợ cũng có thể được sử dụng trong các tình huống ung thư di căn (làm cho phẫu thuật ban đầu có rủi ro) hoặc bệnh nhân không đủ sức khỏe để phẫu thuật.

 

6. Làm thế nào để biết hóa trị có hiệu quả?

Đối với trường hợp hóa trị bổ trợ sau khi khối u đã được cắt bỏ thì hiệu quả của hóa trị chính là khoảng thời gian bệnh ổn định, bệnh không tái phát.

Đáp ứng hoàn toàn: Tất cả các tổn thương đều biến mất, không còn dấu hiệu gì của bệnh. Chỉ số sinh học trong giới hạn bình thường (nếu trước đó có tăng cao).

Đáp ứng một phần: Khối u nhỏ lại một phần (thường trên 50% kích thước ban đầu). Các chỉ điểm sinh học (nếu có) có thể xuống thấp nhưng bệnh vẫn còn tồn tại.

Bệnh ổn định: Khối u không thoái lui nhưng cũng không phát triển thêm, bệnh ổn định. Chỉ điểm sinh học (nếu có) thường không tăng, giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể.

Bệnh tiến triển: Khối u tăng lên về kích thước hoặc xuất hiện thêm khối u ở vị trí khác. Chỉ điểm sinh học (nếu có) tăng cao.

 

7. Tác dụng phụ của điều trị là gì?

Hóa trị có thể gây ra tác dụng phụ trong và sau khi điều trị. Loại và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ này phụ thuộc vào loại và các thuốc hóa trị được sử dụng. Tác dụng phụ xảy ra trong quá trình hóa trị thường là tạm thời. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là buồn nôn, nôn, đau miệng, giảm các tế bào máu và rụng tóc.

 

Một loại thuốc khác, bevacizumab, đôi khi được dùng bên cạnh các loại thuốc hóa trị. Bevacizumab có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm tăng huyết áp, chảy máu mũi, chóng mặt, đau đầu và chậm lành vết thương. Phụ nữ bị ung thư buồng trứng được điều trị với bevacizumab có thể tăng nguy cơ rách ruột già trong quá trình điều trị.

 

Quá trình mọc tóc sau hóa trị

Đối với một số người đã trải qua điều trị ung thư, việc tóc mọc trở lại sau khi hóa trị là dấu hiệu rất có ý nghĩa. Hóa trị tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng đồng thời cũng giết chết các tế bào khỏe mạnh. Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người sẽ mất đi ít nhất một phần tóc khi trải qua hóa trị.

Sự phát triển của tóc sau khi hóa trị:

  • Rụng tóc có thể diễn ra trên toàn bộ hoặc từng phần ở mái tóc mỗi người, hay với một số người chỉ là tóc trở nên mỏng hoặc dễ gãy hơn.
  • Những người có thể thấy tóc sẽ mọc nhanh hơn sau khi hóa trị.
  • Việc tóc mọc lại có thể bắt đầu ngay khi hóa trị không còn tấn công các tế bào khỏe mạnh.
  • Tốc độ tăng trưởng tóc tùy thuộc vào tuổi tác, sức khỏe và các yếu tố khác, ví dụ như sắc tộc.

Mất bao lâu để tóc bắt đầu mọc sau khi hóa trị?

Các tế bào khỏe mạnh trong các nang tóc hỗ trợ sự phát triển của tóc bị ảnh hưởng bởi điều trị hóa trị.

Do đó, những bệnh nhân ung thư được hóa trị liệu có thể bị rụng lông, tóc trên đầu, lông mi, lông mày và những nơi khác trên cơ thể.

Rụng tóc thường xảy ra sau 2 tuần điều trị và nghiêm trọng hơn trong 1-2 tháng tiếp.

Tóc sẽ không mọc lại ngay sau lần hóa trị cuối cùng. Sự chậm trễ này là do các loại thuốc hóa trị cần thời gian để đào thải ra khỏi cơ thể và ngừng tấn công các tế bào phân chia khỏe mạnh.

Hầu hết bệnh nhân sẽ bắt đầu thấy một lượng tóc mỏng, mờ trong vài tuần sau lần điều trị hóa trị cuối cùng. Và tóc thật bắt đầu mọc trong vòng một hoặc hai tháng sau đó.

Mốc thời gian mọc tóc: Tất cả tóc sẽ trải qua thời gian nghỉ ngơi, trong suốt thời gian không mọc. Hơn nữa, tóc sẽ bị rụng khi tới một độ dài nhất định hoặc khi bị kéo.

Mốc thời gian sau đây cho biết những gì xảy ra sau khi hóa trị:

  • 2-3 tuần          : Các sợi tóc nhẹ, mảnh
  • 1-2 tháng        : Sợi tóc chắc hơn bắt đầu mọc
  • 2-3 tháng        : Tóc mọc dài khoảng 2,5 cm
  • 6 tháng           : 5-7cm tóc mọc lên, che các mảng hói.
  • 12 tháng         : Tóc có thể đã mọc từ 10-15 cm và đủ dài để chải hoặc tạo kiểu.

Có thể mất vài năm để nuôi tóc theo kiểu trước đây, đặc biệt là đối với những người đã từng có mái tóc dài.

 

TÔI MUỐN MANG THAI CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

Bạn cần bàn với bác sĩ điều trị về vấn đề này trước khi điều trị. Đa số trường hợp không có khả năng mang thai. Tuy nhiên ở một sồ trường hợp, có thể có một số kế hoạch điều trị để bạn vẫn có khả năng mang thai

 

ĐIỀU GÌ SẼ DIỄN RA SAU ĐIỀU TRỊ?

Sau điều trị bạn sẽ phải tái khám thường xuyên để xem bệnh có tái phát không. Thông thường trong 2 năm đầu bạn sẽ tái khám mỗi 2-4 tháng, năm 3-5 năm mỗi 6 tháng, trên 5 năm mỗi năm tái khám 1 lần

Mỗi lần tái khám bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện các xét nghiệm để đánh giá có tái phát không?

Làm thêm các xét nghiệm hình ảnh như chụp phổi, chụp cắt lớp, siêu âm ổ bụng,... sau điều trị ung thư buồng trứng để tầm soát nếu ung thư tái phát hoặc di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể.

Xét nghiệm máu và định lượng CA-125: Chỉ số CA-125 - một sản phẩm của khối u thường cao ở những phụ nữ mắc ung thư buồng trứng. Vì vậy, áp dụng phương pháp này sau điều trị bệnh sẽ giúp bác sĩ phát hiện ung thư buồng trứng tái phát.

Bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ kiểm tra các bệnh khác vì người mắc ung thư buồng trứng có nguy cơ cao mắc ung thư vú hoặc ung thư đại tràng. Bên cạnh đó, việc sử dụng một số thuốc chống ung thư có thể dẫn tới bệnh ung thư thứ phát như ung thư máu.

Bệnh nhân cần trở lại sinh hoạt bình thường, có lối sống lành mạnh, khoa học sau điều trị bệnh. Sau khi thực hiện các phương pháp điều trị bệnh ung thư buồng trứng, bệnh nhân nên tuân thủ những lưu ý sau:

  • Tạm thời không quan hệ tình dục trong vòng 6 tuần để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh.
  • Nếu cần cắt bỏ cả 2 buồng trứng, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng mãn kinh. Các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng liệu pháp thay thế hormone để giảm các triệu chứng mãn kinh.

 

NẾU UNG THƯ GIEO RẮC HOẶC TÁI PHÁT THÌ SAO?

Nếu ung thư gieo rắc hoặc tái phát tùy tình huống cụ thể bạn sẽ được mổ lại hoặc hóa trị

 

UNG THƯ BUỒNG TRỨNG CÓ PHÒNG NGỪA ĐƯỢC KHÔNG?

Nếu bạn có người nhà bị ung thư vú, tử cung, buồng trứng , đại tràng hãy báo cho bác sĩ của bạn biết, có thể những điều đó giúp bạn tránh bị ung thư

 

TÔI PHẢI LÀM GÌ ?

Quan trọng là phải làm theo các hướng dẫn của bác sĩ, nói chuyện với các bác sĩ về tác dụng phụ, các vấn đề có thể xảy ra khi điều trị

Luôn cho các bác sĩ và y tá biết bạn cảm thấy như thế nào về việc điều trị, bất cứ khi nào điều trị đươc , hãy hỏi:

  • Những lợi ích của việc điều trị này là gì? Có khả năng giúp tôi sống lâu hơn không? Nó sẽ làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng?
  • Những nhược điểm của phương pháp điều trị này là gì?
  • Có những lựa chọn nào khác ngoài việc điều trị này không?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không được điều trị?
HOTLINE 0916 248 159