UNG THƯ PHỔI LÀ GÌ?

  1. Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong nhiều nhất.

Ung thư phổi thường bắt đầu khi các tế bào lót trong lòng phế quản bị đột biến và trở thành tế bào ung thư. Khác với các tế bào bình thường, các tế bào ung thư này sinh sản rất nhanh để tăng kích thước khối u và đi vào các hạch bạch huyết lân cận gọi là di căn hạch hoặc xâm nhập vào mạch máu đi đến các cơ quan gọi là di căn xa.

Có hai loại ung thư phổi:

+ Ung thư phổi tế bào nhỏ: hiếm gặp, khoảng 10% “hung hăng” hơn, rất hay di căn xa.

+ Ung thư phổi không tế bào nhỏ: chiếm đến 90%.

Tài liệu này chỉ đề cập đến loại ung thư phổi không tế bào nhỏ.

 

  1. Các triệu chứng ung thư phổi

Ung thư phổi thường khởi đầu âm thầm không triệu chứng. Khi u lớn hoặc di căn đến những cơ quan khác thì mới có triệu chứng.

Các triệu chứng thường gặp:

  • Ho kéo dài hơn 2 tuần.
  • Ho ra máu
  • Đau ngực
  • Mệt, sụt cân
  • Khó thở

Khi bệnh đã tiến xa, bệnh nhân có thể có:

  • Phù mặt và cổ, do bướu phổi chèn ép vào tĩnh mạch chủ trên làm máu bị ứ trệ ở vùng đầu- cổ.
  • Đau vai- cánh tay, do bướu ở đỉnh phổi chèn ép vào thần kinh vùng này.
  • Khàn tiếng. do bướu chèn ép vào dây thần kinh điều khiển phát âm ở trong lồng ngực.

Các triệu chứng do ung thư phổi di căn đến các cơ quan khác:

  •     Di căn gan làm bệnh nhân đau ở bờ sườn bên phải.
  •     Di căn xương làm bệnh nhân đau xương.
  •     Di căn não làm cho bệnh nhân nhức đầu, ói mửa, yếu nửa

                người, có khi hôn mê.

  •     Di căn đến màng phổi làm màng phổi tiết dịch gây tràn dịch

                màng phổi làm cho bệnh nhân rất khó thở, nhất là khi nằm

                đầu thấp.

 

  1. Bác sĩ làm cách nào để chẩn đoán ung thư phổi?
  • Chẩn đoán sơ bộ: Nhờ hỏi bệnh, khám bệnh rồi cho chụp X quang hoặc CT ngực, bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư phổi. Tuy nhiên chẩn đoán này không chắc chắn.
  • Chẩn đoán xác định: Cần phải sinh thiết khối u hoặc khối di căn để gởi phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để tìm tế bào ung thư. Xét nghiệm giải phẫu bệnh có thể khẳng định chắc chắn bệnh ung thư phổi và cũng cho biết loại mô học của ung thư phổi (carcinoma tế bào nhỏ hay không tế bào nhỏ) nhưng không cho biết các yếu tố khác của khối bướu để lựa chọn thuốc cho đúng. 
  • Chẩn đoán phân tử: Nếu chắc chắn ung thư phổi không tế bào nhỏ, cần làm thêm các xét nghiệm tìm: đột biến EGFR; tái sắp xếp gene ALK; ROS-1; mức độ PD-L1 để chọn thuốc điều trị thích hợp.
  • Chẩn đoán giai đoạn: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: CT ngực, PET CT cơ MRI não, xạ hình xương…giúp khảo sát bướu phổi và các cơ quan mà ung thư phổi thường di căn tới nên được dùng để chẩn đoán giai đoạn.

 

    1. Chụp X quang phổi

Chụp X quang có thể thấy được những khối u hơi lớn nhưng có khi không thấy được những khối u còn nhỏ và cũng không thấy được các khối hạch ở cuống phổi (hạch trung thất).

 

 

    1. Chụp CT phổi

CT có thể tạo ra một loạt các hình ảnh cắt lát của cơ thể từ cổ cho đến thắt lưng nên nhờ vậy có thể thấy được các khối u nhỏ ở phổi, biết được có di căn đến hạch trung thất, gan, thượng thận hay không. Trước khi chụp CT, bệnh nhân được tiêm vào tĩnh mạch thuốc cản quang nên hình ảnh của khối u sẽ rất rõ nét trên phim chụp.

 

    1. Chụp PET-CT

PET-CT có thể tạo hình ảnh cắt lớp toàn cơ thể nên không những có thể phát hiện khối u phổi mà còn “thấy” được những vị trí di căn khác. Trước khi chụp PET-CT, bệnh nhân được tiêm chất FDG, chất này chỉ được các tế bào ung thư “bắt” còn tế bào bình thường thì không nên phương pháp này có thể phân biệt được khối u ác tính với khối u lành tính.

    1. Soi phế quản và sinh thiết bướu

Soi phế quản để sinh thiết bướu là phương pháp xác định chắc chắn ung thư phổi.

Đưa ống soi nhỏ, mềm dẻo, qua mũi hoặc miệng, đi qua khí quản tới phế quản gốc rồi theo đó đến vị trí có bướu để cắt một mảnh bướu đem thử nghiệm, y khoa gọi hành động này là sinh thiết.

Mảnh u vừa sinh thiết này được gởi về phòng xét nghiệm. Tại đây khối u được làm nhiều xét nghiệm chi tiết để biết bản chất.

    1. Sinh thiết bướu phổi bằng kim xuyên thành ngực

Nếu bướu phổi sát thành ngực thì bác sĩ thường dùng phương pháp này. Dùng kim chọc xuyên qua thành ngực vào đúng ngay khối bướu phổi để hút một mảnh nhỏ của bướu.

 

    1. Sinh thiết hạch trên đòn

Nếu ung thư phổi di căn hạch trên đòn thì bác sĩ sẽ sinh thiết hạch này để xét nghiệm, dễ dàng và an toàn hơn sinh thiết bướu phổi.

    1. Chụp MRI não- cột sống

Được sử dụng khi nghi ngờ di căn đến não, cột sống.

    1. Chụp xạ hình xương

Một chất phóng xạ yếu được tiêm vào cơ thể bệnh nhân, chất này được các tế bào ung thư di căn xương hấp thu nên khi chụp hình toàn bộ xương của cơ thể ta sẽ thấy các vị trí di căn xương.

    1. Xét nghiệm khối u được sinh thiết

Khối u được sinh thiết sẽ được gởi về phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để thực hiện rất nhiều xét nghiệm: mô bệnh học, tìm các dấu hiệu sinh học: đột biến gene EGFR; tái sắp xếp gene ALK, ROS-1, mức độ PD-L1…

  • Xét nghiệm mô bệnh học

Dựa trên hình ảnh thấy được, ung thư phổi được chia là hai loại: carcinoma không tế bào nhỏ và carcinoma tế bào nhỏ. Carcinoma không tế bào nhỏ lại gồm 2 loại chính: carcinoma tế bào vảy (carcinoma tế bào gai) và carcinoma tế bào tuyến.  Các loại mô học khác nhau giúp lựa chọn các loại thuốc thích hợp.

  1. Tôi bị ung thư phổi ở giai đoạn mấy?

 Ung thư phổi chia làm 4 giai đoạn dựa trên tình trạng của bướu, hạch, và di căn xa.

Giai đoạn I và II được xem là giai đoạn sớm, có thể mổ được và cứu sống đa số bệnh nhân.

Giai đoạn IV được xem là giai đoạn trễ, không mổ được, điều trị nội khoa là chủ yếu. Bệnh nhân ít khi được khỏi bệnh lâu dài cho dù điều trị lúc đầu có thuyên giảm hoặc khỏi bệnh hoàn toàn thì sau khoảng một năm, bệnh sẽ tái phát.

Giai đoạn III được xem là giai đoạn “trung gian”, phần lớn là không mổi được nên xạ trị là phương pháp điều trị chủ yếu. Xạ trị có thể được phối hợp với điều trị nội khoa khác như hóa trị, điều trị miễn dịch trong một số trường hợp để bướu nhỏ lại, dễ xạ trị hơn và cũng để ngăn ngừa tái phát và di căn xa.

  1. Điều trị ung thư phổi

 

Có ba phương pháp chính để điều trị ung thư phổi:

- Phẫu thuật

- Xạ trị

- Điều trị toàn thân (là điều trị bằng thuốc)

Lựa chọn phương pháp nào là tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh nhân. Phẫu thuật thường dùng cho giai đoạn sớm, điều trị toàn thân thường dùng cho giai đoạn đã di căn xa, xạ trị thường dùng cho giai đoạn chưa di căn nhưng bướu đã lan rộng, không thể mổ được. Trong một số trường hợp đặc biệt, các phương pháp này có thể phối hợp với nhau.

 

Phẫu thuật

 

Phẫu thuật ung thư phổi là một phẫu thuật lớn và nguy hiểm. Bệnh nhân có thể được mổ nội soi (VATS) hoặc mổ hở.

Nếu mổ nội soi, bác sĩ sẽ “đục” 3 lỗ nhỏ để đưa dụng cụ mổ vào. Cuộc mổ sẽ được quan sát qua màn hình vì đầu ống nội soi có gắn camera.

Nếu mổ hở, bác sĩ sẽ rạch đường mổ sát với cung sườn của bệnh nhân.

Tùy theo độ lớn của khối bướu mà phần phổi được cắt sẽ nhiều hay ít. Thường thì một thùy phổi mang bướu sẽ được cắt bỏ.

 

 

 

Xạ trị

Xạ trị là dùng máy phát ra các tia bức xạ có năng lượng cao để huỷ diệt tế bào ung thư. Các tia có năng lượng cao là: tia X (tia photon), tia proton, tia electron.

Có thể dùng máy xạ trị chiếu vào lồng ngực để làm nhỏ các khối u phổi hoặc chiếu vào não, cột sống để làm nhỏ các khối di căn não hoặc di căn cột sống.

 

 

 

Điều trị toàn thân

Trước kia, chỉ có hóa trị nên không có từ “điều trị toàn thân”. Nay có nhiều loại thuốc khác như:

thuốc nhắm trúng đích,

thuốc chống sinh mạch,

thuốc điều trị miễn dịch

Tất cả các thuốc này được gọi chung là điều trị toàn thân (systemic therapy).

 

Hóa trị

Tại sao hóa trị diệt được ung thư?

Hóa trị dựa trên sự khác biệt giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường: tế bào ung thư sinh sản rất nhanh còn tế bào bình thường sinh sản chậm hơn. Khai thác sự khác biệt này người ta đã tìm ra một số chất có thể diệt được các tế bào nhiều ung thư khi chúng đang sinh sản, tế bào sinh sản càng nhanh càng bị tiêu diệt nhiều. Nhóm thuốc này gọi là thuốc gây độc tế bào hay còn gọi là hóa chất trị ung thư. Phương pháp điều trị này gọi là chemotherapy (hóa trị ung thư).

 

 

 

 

 

Hóa trị sẽ được thực hiện ra sao?

Các thuốc này phần lớn được pha vào chai dịch truyền để truyền từ từ vào mạch máu. Cứ mỗi 3 tuần bệnh nhân lại được truyền hóa chất một lần. Vì hóa chất rất hay gây ói và dị ứng nên mỗi lần truyền ngoài 2 loại hóa chất còn có thêm 2-3 loại thuốc phụ trợ để ngăn ngừa ói và dị ứng.

Thuốc nhóm platinum (cisplatin hoặc carboplatin) là loại hóa chất hiệu quả trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ. Để hiệu quả của thuốc platinum tăng thêm người ta thường kết hợp thêm một trong các loại hóa chất sau: vinorelbine, paclitaxel, docetaxel, gemcitabine…

cho nên phác đồ chuẩn để điều trị ung thư phổi bao giờ cũng gồm hai loại hóa chất.

Hóa trị cũng có thể gây hại đến tế bào bình thường nếu các tế bào bình thường này cũng phân chia nhanh như tế bào ung thư. Các tế bào tạo máu ở tủy xương, tế bào tạo long, tóc phân chia nhanh nên bệnh nhân hóa trị thường bị rụng tóc, thiếu máu, giảm bạch cầu, tiểu cầu…

 

 

 

 

Thuốc nhắm trúng đích EGFR

Tại sao thuốc nhắm trúng đích EGFR diệt được ung thư?

 

EGFR là thụ thể nằm trên màng tế bào ung thư khi hoạt động sẽ kích thích khối u phát triển. Các thuốc ức chế (ngăn chặn) thụ thể này sẽ làm khối u ngưng phát triển hoặc giảm kích thước. Các thuốc này còn gọi chung là EGFR TKI.

Tôi có thể được điều trị EGFR TKI hay không?

Thuốc này chỉ hiệu quả cao khi có đột biến EGFR (còn gọi là EGFR dương tính) cho nên trước khi quyết định điều trị bằng EGFR TKI thì bắt buộc phải xét nghiệm xem khối bướu có đột biến EGFR hay không. Với ung thư phổi loại carcinoma tuyến thì có 50% có EGFR dương tính.

Các thuốc nhắm trúng đích ALK, ROS-1

Tại sao thuốc nhắm trúng đích ALK, ROS-1 diệt được ung thư

Cũng giống như EGFR, ALK hoặc ROS-1 hoạt động sẽ khiến khối u phát triển. Các thuốc ức chế ALK, ROS-1 sẽ ngăn chặn sự phát triển của khối u. Các thuốc này được gọi chung là ALK TKI hoặc ROS-1 TKI.

Tôi có thể được điều trị ALK TKI hoặc ROS-1 TKI hay không?

Các thuốc này chỉ hiệu quả cao khi có biến đổi gene ALK hoặc ROS-1, còn gọi là tái sắp xếp gene ALK hay ROS-1. Bệnh nhân phải được xét nghiệm gene ALK hoặc ROS-1, nếu dương tính mới được điều trị. Tỉ lệ bệnh nhân carcinoma tuyến có ALK dương tính hoặc ROS-1 dương tính là dưới 5%.

Các thuốc chống sinh mạch

Loại thuốc có thể chống lại sự hình thành mạch máu quanh khối u từ đó làm cho khối u ngừng phát triển, nhỏ đi và giảm bớt nguy cơ di căn, loại thuốc này gọi là thuốc chống sinh mạch.

Các thuốc này không được dùng đơn độc vì hiệu quả không cao nhưng khi dùng kết hợp với các thuốc nhắm trúng đích EGFR TKI hoặc hóa trị thì làm tăng hiệu quả các thuốc này rất nhiều.

Các thuốc điều trị miễn dịch

Hệ miễn dịch của chúng ta đặc biệt là bạch cầu T có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên một số tế bào ung thư lại có “vũ khí” rất lợi hại là PD-L1 để thoát khỏi sự tiêu diệt của bạch cầu. PD-L1 là một protein trên màng tế bào ung thư, chất này có thể gắn kết lên PD-1 của bạch cầu T để làm bạch cầu T “tê liệt” khiến không thể tiêu diệt tế bào ung thư.

 

 

Các thuốc điều trị miễn dịch ức chế PD-L1 hoặc PD-1 khiến tế bào ung thư không thể làm bạch cầu T bị tê liệt nhờ đó bạch cầu sẽ hồi phục khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.

Tôi có thể được điều trị miễn dịch hay không?

Được, với điều kiện bạn phải có EGFR âm tính và ALK âm tính và PD-L1 ≥50%.

Nếu PD-L1 <50% hoặc không xác định thì các thuốc điều trị miễn dịch sẽ được dùng phụ trợ với hóa trị để làm tăng hiệu quả của hóa trị.

Điều trị triệu chứng

Ung thư gây ra các triệu chứng như ho, đau, mệt, chán ăn làm giảm chất lượng cuộc sống. Các thuốc giảm ho, giảm đau…sẽ nhanh chóng làm giảm triệu chứng của bệnh nhân trong lúc chờ các phương pháp điều trị chính có tác dụng.

Description: E:\WORKING\patient book\chemotherapy-image1.jpg

 

HOTLINE 0916 248 159