ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT – NHỮNG TÁC DỤNG PHỤ THƯỜNG GẶP

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT –

NHỮNG TÁC DỤNG PHỤ THƯỜNG GẶP

 

Ung thư tuyến tiền liệt là loại bướu ác tính xuất phát từ tế bào của tuyến tiền liệt. Đây là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới trên toàn thế giới. Tại Việt nam, theo số liệu của Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu năm 2018, cứ 100.000 nam giới thì có 8,4 người mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Điều trị ung thư tiền liệt tuyến cũng đã có những bước tiến vượt bậc trong thời gian gần đây. Đặc biệt với điều trị toàn thân, đã có những bước tiến mới trong điều trị nội tiết, điều trị nhắm trúng đích và điều trị miễn dịch.

Một số tác dụng phụ thường gặp:

  • Phẫu thuật : rối loạn cương dương, mất ham muốn tình dục, mất khả năng đạt cực khoái, dò nước tiểu khi quan hệ và mệt mỏi.
  • Xạ trị ngoài: rối loạn cương dương, mất ham muốn tình dục, mất khả năng đạt cực khoái, vô sinh, rối loạn đi tiểu, rối loạn chức năng bàng quang, mệt mỏi và tổn thương da.
  • Điều trị nội tiết: rối loạn cương dương, mất ham muốn tình dục, mất khả năng đạt cực khoái, vô sinh, rối loạn đường ruột, mệt mỏi, bốc hỏa, loãng xương, vấn đề tim mạch, nữ hóa tuyến vú, thay đổi tâm trạng.

 

Rối loạn cương: được định nghĩa là không thể đạt tình trạng cương hay giữ được tình trạng này trong quá trình quan hệ tình dục. Tình trạng này cũng được gọi là bất lực.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây tình trạng này bên cạnh do quá trình điều trị ung thư tiền liệt tuyến, bao gồm: tuổi cao, tình trạng sức khỏe chung và bệnh lý đi kèm như đái thao đường hay tim mạch, một số thuốc điều trị cao huyết áp và trầm cảm, phẫu thuật ống tiêu hóa hay phẫu thuật bụng trước, nghiện thuốc lá hay nghiện rượu, căng thẳng tâm lý và xúc cảm.

Rối loạn cương rất thường gặp khi điều trị ung thư tiền liệt tuyến, gồm cà phẫu thuật và xạ trị (do ảnh hưởng thần kinh và mạch máu nuôi), điều trị nội tiết (do sụt giảm nội tiết nam hay do thuốc điều trị).

Phần lớn những rối loạn cương là tạm thời và có thể hồi phục sau một thời gian, thậm chí lên tới sau 3 năm. Một số phương pháp có thể giúp cải thiện tình trạng này:

  • Tạo thói quen tạo hứng khởi dạo đầu trước quan hệ với bạn tình.
  • Dùng thuốc hỗ trợ cương
  • Dùng dụng cụ hỗ trợ cương
  • Tiêm thuốc trực tiếp vào dương vật.

 

Mất ham muốn tình dục: là sự giảm ham muốn quan hệ tình dục, thường gặp trong quá trình điều trị ung thư. Phần lớn tình trạng này gây ra do sự mệt mỏi, lo lắng của bệnh nhân hơn là do chính mô thức điều trị. Ngoài ra, điều trị nội tiết làm giảm nồng độ hormone nam (testosterone), xạ trị và phẫu thuật có thể làm giảm ham muốn tình dục trực tiếp.

Phần lớn tình trạng này hồi phục sau điều trị. Có thể cung bệnh nhân điều chỉnh thông qua hỗ trợ về mặt cảm xúc và thể xác.

 

Không đạt cực khoái: sau khi cắt tiền liệt tuyến hay xạ trị, bệnh nhân giảm hay không thể tạo ra tinh dịch. Mặc dù có thể cảm nhận được việc co thắt các cơ, nhưng sẽ không có sự phóng tinh và do đó khó đạt cực khoái. Phần lớn tình trạng này lại là do tâm lý. Cần có thêm hỗ trợ tâm lý từ bạn tình.

 

Dò nước tiểu khi quan hệ: một số bệnh nhân ghi nhận có dò rỉ nước tiểu khi quan hệ sau khi nhận phẫu thuật cắt tiền liệt tuyến, do mất khả năng kiểm soát cơ vòng đường tiểu. Vấn đề này chủ yếu gây ra tình trạng xấu hổ cho bệnh nhân, nhưng không ảnh hưởng đến bạn tình. Ngoài ra, việc sử dụng bao cao su có thể giúp tình trạng này.

 

Vô sinh: sau phẫu thuật, xạ trị hay điều trị nội tiết, phần lớn bệnh nhân nam không thể có con được nữa. Cần tham vấn vô sinh trước điều trị nếu bệnh nhân có dự kiến có con trong tương lai.

 

Rối loạn đi tiểu: không thể kiểm soát dòng nước tiểu là tác dụng phụ thường gặp trong điều trị ung thư tiền liệt tuyến và thường là tạm thời từ 3 – 6 tháng. Một số bệnh nhân có thể tiểu són khi ho, hắt hơi, tập thể dục hay nhấc vật nặng. Một số tình huống nặng, bệnh nhân có thể sử dụng tã hỗ trợ. Một số tình huống khác có thể do ảnh hưởng đến bàng quang, hẹp niệu đạo và yếu cơ sàn chậu. Trong những trường hợp này, cần tham vấn với bác sĩ chuyên khoa Niệu.

 

Mệt mỏi: điều trị ung thư có thể làm bệnh nhân mệt. Sau phẫu thuật, thường mất một vài tuần mới có thể hồi phục sức lực. Mệt mỏi có thể xuất hiện cuối quá trình xạ trị và có thể kéo dài một vài tuần đến vài tháng. Ngoài ra, mệt mỏi có thể do hóa trị hoặc một số điều trị nhắm trúng đích. Có thể hỗ trợ dinh dưỡng và tập thể dục giúp giảm mệt mỏi.

 

Bốc hỏa: tình trạng này thường gặp khi điều trị nội tiết triệt nguồn androgen. Một số biện pháp khắc phục: giảm uống rượu, tránh thức uống nóng, tập thể dục điều độ và nghỉ ngơi thường xuyên. 

 

Loãng xương: là một trong những tác dụng phụ muộn của điều trị nội tiết. Cần đo mật độ kháong của xương và tham vấn bác sĩ chuyên khoa khi cần điều trị hỗ trợ.

 

Vấn đề tim mạch: một số thuốc, đặc biệt khi điều trị liệu pháp nội tiết, có thể làm tăng biến cố tim mạch như đột quị hay thiếu máu cơ tim. Tình trạng này là do hình thành và thay đổi mảng xơ vữa mạch máu. Cần khám chuyên khoa định kỳ theo dõi tim mạch và tham vấn dinh dưỡng và vật lý trị liệu để giảm các biến cố này.

 

Một số tác dụng phụ do điều trị triệt nguồn androgen kéo dài: tăng cân, thay đổi tâm trạng, nữ hóa tuyến vú, giảm khối cơ, thay đổi dáng vẻ bên nhoài và tăng cholesterol máu. Cần tham vấn với bác sĩ điều trị khi có những tình trạng này. 

 

Một số tác dụng phụ do hóa trị: có thể giảm một số thành phần tế bào máu hay tác dụng phụ ngoài hệ tạo huyết (đường tiêu hóa như: ói, tiêu chảy; đau cơ, dị ứng,…). Những tác dụng phụ này sẽ được bác sĩ điều trị hướng dẫn cụ thể trước điều trị.

 

Một số tác dụng phụ do điều trị nhắm trúng đích và điều trị ức chế điểm kiểm soát miễn dịch: là những tác dụng phụ rất chuyên biệt và được bác sĩ điều trị hướng dẫn cụ thể trước điều trị.

 

 

Ths Bs CKII PHAN TẤN THUẬN

HOTLINE 0916 248 159