SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ NGÀY 09/12/2020: CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ BIỂU MÔ TẾ BÀO GAN NGUYÊN PHÁT – TỪ NGHIÊN CỨU ĐẾN THỰC HÀNH LÂM SÀNG

10h sáng ngày 09/12/2020, bệnh viện Ung Bướu TP. HCM đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề trực tuyến “Chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát – Từ nghiên cứu đến thực hành lâm sàng”. Chủ tọa chương trình là TS.BS. Đặng Huy Quốc Thịnh – Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP. HCM cùng ba báo cáo viên là BSCKII. Trần Nguyên Hà – Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, BSCKII. Huỳnh Thị Đỗ Quyên – Phó Trưởng khoa Nội soi Siêu âm và chuyên gia nước ngoài là PGS. Yu - Yun Shao – khoa Ung thư, Trường Y khoa ĐHQG Đài Loan (báo cáo trực tuyến).

 

Trên thế giới, Ung thư gan nguyên phát (HCC) là ung thư phổ biến thứ 6 với 841.000 trường hợp mắc mới trong năm 2018. Ngoài ra, HCC cũng là nguyên nhân ung thư gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên toàn thế giới.  Năm 2018 tại Việt Nam, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi để trở thành ung thư phổ biến nhất với 25335 (15.4%) cas và đây cũng là loại ung thư có tử suất cao nhất. HCC thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn và kém hiệu quả và có tiên lượng kém về cả chất lượng sống (QoL) và thời gian sống.

BSCKII. Huỳnh Thị Đỗ Quyên – Phó Trưởng khoa Nội soi Siêu âm mở đầu buối sinh hoạt với bài trình bày về các hình thái tổn thương gan trên siêu âm và trình bày vai trò của siêu âm trong điều trị bệnh lý gan. Một vài chỉ định có thể kể đến là hỗ trợ chọc dò dẫn lưu, sinh thiết, TIPS, RFA, MWA hay siêu âm đàn hồi nhu mô gan.

BSCKII. Trần Nguyên Hà với bài trình bày “Bối cảnh điều trị toàn thân ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát tại BVUB TP.HCM” đã mang đến cho hội trường một cái nhìn tổng quan về các phương pháp điều trị tại chỗ và toàn thân cho HCC tại BVUB:

  • Đối với HCC giai đoạn sớm, điều trị gồm có phẫu thuật/ghép gan, PEI/RFA. HCC giai đoạn trung gian được điều trị với RFA.
  • HCC giai đoạn tiến xa được điều trị với các biện pháp điều trị toàn thân. Trước năm 2007, phác đồ Doxorubicin 50mg/m2 mỗi 3 tuần là phác đồ điều trị phổ biến nhất, tuy nhiên tỉ lệ đáp ứng (RR) chỉ là 9% và trung vị sống còn (mOS) là 6.8 tháng, đi kèm với đó là tỉ lệ tác dụng phụ trên hệ tạo huyết rất cao. Đến nay, hóa trị rất ít khi được áp dụng trong điều trị HCC do chưa có nghiên cứu pha III, RR #20% và chỉ nên cân nhắc khi bệnh nhân không thể sử dụng các loại thuốc trúng đích và miễn dịch.
  • Năm 2007, với sự xuất hiện của Sorafenib, đi kèm với kết quả của hai nghiên cứu pha III: SHARP và ASIA-PACIFIC (AP) đã mở ra một chương mới cho việc điều trị HCC giai đoạn tiến xa. Kết quả từ 2 nghiên cứu then chốt này đã chứng minh rằng Sorafenib giúp tăng OS một cách đồng nhất trên nhiều nhóm dân số bệnh nhận khác nhau về vùng địa lý lẫn sinh bệnh học.
  • Trong thực hành lâm sàng, nghiên cứu quan sát GIDEON đã cho thấy những bệnh nhân có điểm Child-Pugh A có mOS dài hơn nhóm Child-Pugh B/C (13.6 tháng so với 5.2 và 2.6 tháng), qua đó khẳng định chức năng gan quyết định tới hiệu quả điều trị.
  • Hiện nay, các phương pháp điều trị toàn thân đã được chấp thuận tại Việt Nam tính đến 10/2020 là Sorafenib, Lenvatinib cho điều trị đầu tay và Regorafenib, Pemprolizumab cho điều trị bước hai.

Bài báo cáo cuối cùng của PGS. Yu – Yun, Shao tập trung vào việc phân tích dữ liệu của 2 thuốc Lenvatinib và Pembrolizumab.

  • Lenvatinib, xuất hiện 10 năm sau Sorafenib đã cho thấy hiệu quả không kém hơn Sorafenib qua nghiên cứu REFLECT. mOS của Lenvatinib so với Sorafenib là 13.6 sv 12.3 tháng (HR (95% Ci): 0.92 (0.79 – 1.06). Ngoài ra, Lenvatinib cho trung vị thời gian sống còn không bệnh (mPFS) dài hơn Sorafenib 7.4 sv 3.7 tháng và lợi ích này được quan sát thấy ở mọi phân nhóm. Cuối cùng, Lenvatinib có RR cao hơn Sorafenib (18.8% sv 2 – 3.3% theo RECIST). Tác dụng phụ của Lenvatinib chủ yếu là tăng huyết áp, đạm niệu và mệt mỏi trong khi Sorafenib là hội chứng bàn tay bàn chân (HFS) và tiêu chảy.
  • Điều trị bước 2 HCC hiện nay có 2 nhóm thuốc chính: Nhóm thuốc kháng sinh mạch (Regorafenib, Cabozantinib, Ramucirumab) và nhóm thuốc ức chế chốt kiểm miễn dịch ICI (Pemprolizumab, Nivolumab).
  • Nghiên cứu pha II nhãn mở, không ngẫu nhiên KEYNOTE – 224 đánh giá hiệu quả của Pemprolizumab trên nhóm bệnh nhân HCC giai đoạn tiến xa thất bại với Sorafenib bước 1 cho thấy Pemprolizumab có hiệu quả đáng kể với mOS là 12.9 tháng.
  • Nghiên cứu KEYNOTE 240 là nghiên cứu mù đôi, ngẫu nhiên, pha III đánh giá hiệu quả và tính an toàn của Pemprolizumab ở nhóm bệnh nhân nói trên. Tiêu chí chính mOS và mPFS lần lượt là 13.9 tháng và 3.0 tháng với RR 18.3% và thời gian đáp ứng 13.8 tháng. Tuy không đạt ý nghĩa thống kê tuy nhiên đây là những kết quả rất khả quan đối với nhóm bệnh nhân có tiên lượng xấu này.

Tóm lại, HCC là một loại ung thư rất phổ biến và có tử suất cao. Điều trị cho giai đoạn sớm bao gồm các phương pháp điều trị tại chỗ. Đối với HCC giai đoạn tiến xa, liệu pháp toàn thân là điều trị tiêu chuẩn hiện nay. Với sự ra đời của các nhòm thuốc mới, bức tranh điều trị HCC giai đoạn tiến xa ở cả bước 1 và bước 2 ngày càng phong phú hơn, giúp cải thiện tiên lượng sống còn và cả chất lượng sống của bệnh nhân.

 

Võ Đức Hiếu và Lê Hoàng Đình Nguyên (BV Ung Bướu TP. HCM)

HOTLINE 0916 248 159