SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ NGÀY 24/11/2020: AN TOÀN TRONG PHA CHẾ THUỐC HÓA TRỊ

Nằm trong kế hoạch tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao kiến thức và được sự cho phép của Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM đã tổ chức thành công buổi sinh hoạt chuyên đề trực tuyến “An toàn trong pha chế thuốc hóa trị ” vào ngày 24/11/2020.

Chủ tọa của chương trình là TS.BS. Phạm Xuân Dũng – Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM

Hai báo cáo viên nhiều kinh nghiệm được mời tham gia báo cáo tại bệnh viện lần này là TS.DS. Nguyễn Đức Trung Trưởng Khoa Dược Bệnh viện 108 chia sẻ đề tài “Tổ chức triển khai hoạt động trung tâm pha chế thuốc hiện đại”, và TS.DS Nguyễn Quốc Bình – Trưởng khoa Dược – Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ đề tài “Quy trình pha chế thuốc hóa trị an toàn và kinh nghiệm thực tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy” cùng với sự tham dự, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ tại bệnh viện Ung Bướu TP. HCM.

Chương trình sinh hoạt đã đúc kết ra được những thông điệp chính như sau:

  • Trung tâm pha chế thuốc cần có phòng pha chế (phòng sạch), các buồng phụ trợ, được trang bị các trang thiết bị pha chế thuốc điều trị ung thư và phần mềm chuyên dụng, được sử dụng và quản lý bởi dược sĩ, và có các quy trình sản xuất, vận hành, xử lý rác thải…
  • Phòng sạch: số lượng và kích thước các tiểu phân trong không khí được kiểm soát và được xây dựng theo cách để hạn chế tối đa việc đưa vào, sinh ra và giữ lại các tiểu phân bên trong phòng. Các thông số khác như vi sinh vật, độ ẩm, nhiệt độ, áp suất, độ ẩm cũng được kiểm soát khi cần thiết phụ thuộc vào mục đích sử dụng của phòng sạch
  • Tủ an toàn sinh học:
  • Tù lớp II nhóm A (Class II, type A cabinets): không gió
  • Tù lớp II nhóm B1: có gió, 30% không khí được loại khỏi, 70% quay ngược trở lại trong phòng
  • Tù lớp II nhóm B2: 100% của không khí từ tủ được thải qua 1 ống riêng biệt
  • Tù lớp II nhóm B3: có gió, 70% không khí được loại khỏi, 30% quay ngược trở lại trong phòng
  • Tù lớp III: bảo vệ tối đa nhân viên và môi trường, khí vào được lọc qua màng lọc HEPA, khí được thải qua 2 màng lọc HEPA trước khi được thải ra ngoài.
  • Khi những thuốc nguy hiểm vô trùng được pha chế, dùng 1 trong những loại tủ có gió sau đây: tủ lớp II, lớp III, tủ khử khuẩn chuyên biệt (class II BSC, class III BSC, isolators intended for asepsis and containment)
  • Xử lý sự cố tràn đổ thuốc: rửa tay, mắt (nếu bị vấy nhiễm), da dưới vòi nước; mở lô bị tràn, mặc áo bảo vệ, mang khẩu trang + 2 đôi găng tay bằng cao su (latex) và bao giày; lấy khan thấm nơi bị đổ; rửa nơi đó với xà phòng và nước; ngâm trong nước; lặp lại (ít nhất 3 lần) hoặc cho đến khi nơi tràn thuốc được lau sạch; vứt bỏ tất cả vật liệu bị vấy nhiễm trong 1 bao hàn 2 lớp; vứt bỏ đồ vải lanh trong bao màu cam; vứt bỏ bao hàn kín 2 lớp trong bao màu tím; báo cáo sự cố
  • Túi rác thải làm bằng polyethylene hoặc polypropylene có dán nhãn với 1 nhãn dành cho chất độc tế bào nguy hiểm, màu sắc khác với những túi phế thải khác dung trong bệnh viện
  • Nên dung bao ngăn rò rỉ, hộp ngăn kim chích hoặc những thùng dành cho vật dụng nhọn bén có dán nhãn dành cho chất độc tế bào nguy hiểm để vứt bỏ những vật bén nhọn như kim chích và lọ thủy tinh

Hi vọng rằng những nội dung chính rút ra từ chương trình sinh hoạt này sẽ giúp các Bác sĩ, Dược sĩ bổ sung kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng, góp phần cho công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân ngày càng tốt hơn.

 

Võ Đức Hiếu - Nguyễn Hồng Hạnh (BV Ung Bướu TP. HCM)

HOTLINE 0916 248 159