SHCĐ NGÀY 09/10/2020: TECENTRIQ TRONG ĐIỀU TRỊ CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ BƯỚC 2

Ung thư phổi là bệnh ung thư thường gặp và là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư trên thế giới. Bệnh có thể gặp ở cả phái nam và nữ. Bệnh ung thư phổi có 2 loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (20%) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (80%). Các triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, và diễn tiến âm thầm, dẫn đến khó khăn trong chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Do đó, khi phát hiện bệnh, đa số bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, bệnh không còn có thể chữa dứt điểm. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc của chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, đặc biệt là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Với sự tìm ra cơ chế miễn dịch trong ung thư, đặc biệt là cặp thụ thể - kháng thể PD-1 – PD-L1 trong việc ức chế tế bào lympho T, từ đó làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với bướu. Sau đó là nghiên cứu tìm ra chất ức chế cặp thụ thể - kháng thể này như Atezolizumab đã mở ra bước tiến lớn trong việc kích hoạt lại hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể chống lại bướu, giúp điều trị bệnh nhân giai đoạn tiến xa, di căn đạt được những hiệu quả đáng kể so với hóa trị truyền thống trước đây

Nằm trong kế hoạch tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao kiến thức cho các bác sĩ, Bệnh viện Ung Bướu đã tổ chức thành công buổi sinh hoạt chuyên đề “Tecentriq trong điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ bước 2” vào ngày 09/10/2020.

Chủ tọa của chương trình là TS.BS. Diệp Bảo Tuấn – Phó Giám đốc BVUB
TP. HCM.

Hai báo cáo viên nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực ung thư phổi là BSCKII. Nguyễn Tuấn Khôi - Trưởng Khoa Nội phụ khoa, phổi - Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM chia sẻ đề tài “Vai trò của Atezolizumab trong điều trị bước 2 Ung thư phổi không tế bào nhỏ” và BSCKI. Nguyễn Thùy Trang – Khoa Nội phụ khoa, phổi chia sẻ đề tài “Báo cáo ca lâm sàng về điều trị bước sau Ung thư phổi không tế bào nhỏ”; cùng với sự tham dự và tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của các bác sĩ tại bệnh viện Ung Bướu TP. HCM.

Chương trình sinh hoạt đã đúc kết ra được những thông điệp chính như sau:

  • Nghiên cứu OAK: là nghiên cứu pha III, ngẫu nhiên có đối chứng trên 1225 bệnh nhân. Đặc điểm dân số nghiên cứu: Ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến xa hoặc di căn (giai đoạn IIIB, IV), đã trải qua 1-2 bước hóa trị ban đầu trong đó có ít nhất 1 bước hóa trị với Platinum, biểu hiện PD-L1 bất kỳ, được phân nhóm 1:1 điều trị với Atezolizumab 1200mg truyền tĩnh mạch mỗi 3 tuần và Docetaxel 75mg/m2 da truyền tĩnh mạch mỗi 3 tuần. Kết cuộc chính: sống còn toàn bộ, sống còn toàn bộ của nhóm bệnh nhân có biểu hiện PD-L1 >1%.
    Một số kết cuộc phụ: tỉ lệ đáp ứng, tỉ lệ không bệnh tiến triển, tính an toàn.
  • Atezolizumab cải thiện OS so với Docetaxel với trung vị sống còn 13.8 (95% Cl: 11.8-15.7) tháng của Atezolizumab so với 9.6 (95% Cl: 8.6-11.2) tháng của Docetaxel, p = 0.0003
  • Atezolizumab cải thiện OS so với Docetaxel trên tất cả các mức độ biểu hiện PD-L1, trên cả 2 dạng mô học vảy và không vảy, đặc biệt có hiệu quả cao trên bệnh nhân kèm di căn não
  • Atezolizumab an toàn hơn so với Docetaxel. Tác dụng phụ độ 3(13%), độ 4(2%) của Atezolizumab thấp hơn hẳn so với tác dụng phụ độ 3(24%, độ 4(18%) của Docetaxel. Đặc biệt Atezolizumab không có tác dụng phụ độ 5.
  • Atezolizumab dễ dàng sử dụng với liều cố định 1200mg, tiêm truyền tĩnh mạch 60 phút trong lần đầu tiên và 30 phút cho những lần sau nếu bệnh nhân dung nạp tốt, mỗi đợt cách nhau 3 tuần. Sử dụng đến khi mất hiệu quả điều trị lâm sàng hoặc độc tính không thể kiểm soát được
  • Áp dụng trong điều trị cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tại Việt Nam: Hóa trị bước 1 -> bệnh tiến triển -> Xét nghiệm EGFR và ALK: nếu EGFR (+) sẽ dùng các thuốc Osimertinib, Afatinib, Erlotinib, Gefitinib; nếu ALK (+) sẽ dùng thuốc Ceritinib, nếu EGFR và ALK đều (-) sẽ dùng thuốc Atezolizumab, Pembrolizumab (xét nghiệm PD-L1 khi sử dụng Pembrolizumab)

Hi vọng rằng những nội dung chính rút ra từ chương trình sinh hoạt nêu trên sẽ là hành trang tốt cho các BS tham dự, giúp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng, góp phần chăm sóc điều trị bệnh nhân ngày càng tốt hơn.

 

Võ Đức Hiếu – Trần Thanh Tùng (BV Ung Bướu TP. HCM)

HOTLINE 0916 248 159