SHCĐ NGÀY 17/07/20: ỨNG DỤNG PEMBROLIZUMAB TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ CỔ TỬ CUNG/ NỘI MẠC TỬ CUNG VÀ NGUYÊN TẮC XỬ TRÍ TÁC DỤNG PHỤ LIÊN QUAN MIỄN DỊCH

Chúng ta vốn đã quen với các chỉ định sử dụng thuốc ức chế chốt kiểm miễn dịch (ICIs) trong điều trị ung thư phổi, đầu cổ, melanôm... Ngày nay, nhờ vào các kết quả khả quan từ các thử nghiệm lâm sàng, chỉ định sử dụng ICIs đang ngày càng được mở rộng ra trong ung thư  cổ tử cung, nội mạc tử cung,… và do đó ngày càng nhiều bệnh nhân có cơ hội được hưởng lợi từ loại thuốc này. Tuy nhiên, nắm vững chỉ định sử dụng thuốc là chưa đủ, các bác sĩ lâm sàng thường rất hay bỏ sót hướng dẫn pha truyền thuốc cũng như là cách xử trí các tác dụng phụ không mong muốn.

Chính vì thế, nằm trong kế hoạch tổ chức thường xuyên những buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật về chuyên môn để nâng cao kiến thức cho các bác sĩ, vào ngày 17/07/2020 bệnh viện Ung Bướu đã tổ chức thành công buổi hội thảo chuyên đề
“Ứng dụng Pemprolizumab trong điều trị ung thư cổ tử cung/ Nội mạc tử cung và nguyên tắc xử trí tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch”

Chủ tọa của chương trình là TS.BS. Phạm Xuân Dũng – Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Sau lời phát biểu khai mạc của TS.BS. Phạm Xuân Dũng, buổi sinh hoạt đã được trình bày cùng với 02 báo cáo viên là BSCKII. Nguyễn Tuấn Khôi – Trưởng khoa Nội phụ khoa, phổi – với bài báo cáo về “Nguyên tắc xử trí tác dụng phụ của miễn dịch” và BSCKII. Lê Thụy Phương Hồng, Bác sĩ điều trị khoa Nội phụ khoa, phổi – với bài báo cáo “Ứng dụng Pembrolizumab trong điều trị ung thư cổ tử cung và nội mạc tử cung”.

Chương trình đã đúc kết ra được những nội dung chính như sau:

  • Miễn dịch ung thư là phương pháp sử dụng các khả năng tự nhiên của hệ thống miễn dịch để chống lại ung thư. Điều trị miễn dịch tác động trên hệ thống miễn dịch của cơ thể chứ không trực tiếp vào khối u.
  • PD-1 gắn kết với PD-L1/PD-L2 à bất hoạt chức năng tế bào T. Do đó, liệu pháp anti PD-1 có thể làm phục hồi và bộc lộ sự miễn dịch kháng u hiệu quả
  • Khối bướu càng nhiều đột biến (có thể do đột biến gen sửa lỗi bắt cặp sai – dMMR) càng hiện diện nhiều tế bào T à tăng hiệu quả điều trị với ICIs.
  • Khảo sát MSI, dMMR bằng hóa mô miễn dịch (IHC), PCR, NGS.
  • Tần suất MSI-H rất cao trong ung thư nội mạc tử cử cung (25%, giai đoạn IV chiếm 17%) và ung thư cổ tử cung (9.5%, giai đoạn IV chiếm 9%).
  • Nhờ kết quả từ hai nghiên cứu KEYNOTE 158/164, Pemprolizumab hiện đã được chấp thuận trong điều trị bước 2 ung thư nội mạc tử cung giai đoạn tái phát/di căn có MSI– H/dMMR và ung thư cổ tử cung giai đoạn tái phát/ di căn có MSI– H/dMMR hay PDL-1 CPS >1%.

  • Độc tính do ICIs liên quan đến đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể (irAE – immune response adversed events) thường xuất hiện trong 12 tuần đầu. Những tác dụng phụ cần lưu ý là viêm phổi và độc tính trên hệ tiêu hóa tuy nhiên có thể gặp trên mọi hệ cơ quan.
  • Để chẩn đoán viêm phổi do ICIs, ngoài việc chú ý đến các triệu chứng lâm sàng (ho, đau ngực, khó thở) và diễn tiến lâm sàng, cần chụp CT ngực để giúp phân biệt với bệnh tiến triển hay viêm phổi vi trùng. Điều trị với methylprednislon ± kháng sinh.
  • Nghĩ tới tác dụng phụ của ICI trên đường tiêu hóa khi bệnh nhân có tiêu chảy hay triệu chứng viêm đại tràng (đau quặn, tiêu chảy, đầy bụng). Chụp CT scan bụng, soi cấy phân và soi đại tràng để xác định nguyên nhân do nhiễm trùng hay do thuốc. Điều trị nâng đỡ với bù dịch và điện giải, loperamide hoặc dephenoxylate/atropin kết hợp với methylprednisolon.
  • Khi đã xác định irAE, việc cần làm là đánh giá grade (theo CTCAE), quyết định tạm ngưng (grade 1, 2) hay vĩnh viễn (grade 3, 4) và sử dụng corticosteroids dài ngày (> 1 tháng). Các irAE trên hệ nội tiết thường được xử trí dễ dàng và không cần ngưng vĩnh viễn ICIs.

Hi vọng rằng những nội dung chính rút ra từ chương trình sinh hoạt nêu trên sẽ là hành trang tốt cho các bác sĩ tham dự, giúp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng, góp phần chăm sóc điều trị bệnh nhân tốt hơn.

                                                Võ Đức Hiếu (BV Ung Bướu TP.HCM)

HOTLINE 0916 248 159